Không chỉ toàn thắng bốn trận để dẫn đầu bảng A, Thái Lan còn chứng tỏ vị thế ứng viên vô địch AFF Cup 2020 khi dùng đội hình hai để hạ chủ nhà Singapore tối 18.12.
Đẳng cấp hay vị thế hàng đầu của Thái Lan tại Đông Nam Á, hay nói cụ thể hơn, tại AFF Cup là điều không phải bàn cãi. Họ luôn là ứng viên ở mọi kỳ giải, vấn đề duy nhất mà công chúng quan tâm đó là Thái Lan mạnh cỡ nào. Tại AFF Cup 2018 - giải đấu mà Việt Nam dưới trướng huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo vô địch, Thái Lan không vào được chung kết khi thiếu một số trụ cột đang chơi bóng tại nước ngoài, lại bận tập trung cho sân chơi Asian Cup.
Nhưng đến với AFF Cup 2020, chuyện về Thái Lan khác rất nhiều.
Trận thắng Singapore, hay nói đúng hơn là lựa chọn của HLV Alexandre Polking, nói lên rất nhiều điều. Polking chỉ nắm Thái Lan theo diện thời vụ, lấy thành tích tại AFF Cup 2020 để làm thước đo cho hợp đồng. Áp lực phải thắng mọi trận đấu vì thế luôn đè lên vai HLV mang hai quốc tịch Brazil - Đức. Nhưng trước Singapore, ông gây bất ngờ khi quyết định "cất" toàn bộ đội hình chính.
Worachit đi bóng qua Faris Ramli của Singapore trong trận đấu hôm 18.12. Tiền vệ số 24 mới lên tuyển Thái Lan trong năm 2021 và chỉ đá ba trận trước khi gặp Singapore. Ảnh: Changsuek
Có nhiều lý do, và bản thân Polking cũng đã giải thích, nhưng có thể nhìn thấy hai chi tiết quan trọng. Thứ nhất, Thái Lan không quan tâm đến việc đứng nhất hay nhì bảng A. Với họ, gặp đội nào ở bán kết cũng như nhau, bởi cái đích vẫn là đánh bại tất cả để vô địch. Thứ hai, Polking rất tự tin vào chất lượng đội hình của Thái Lan, và kết quả trên sân cho thấy toan tính của ông đã đúng. Thái Lan vẫn thắng, đứng đầu bảng, giữ chân cho các trụ cột, đồng thời làm các đối thủ tại bán kết bắt đầu lo lắng vì khó phán đoán cách mà Thái Lan sẽ làm ở vòng knock-out.
Chiến thắng bằng đội hình hai ấy còn giống như một thông điệp mà Polking gửi đến nhà đương kim vô địch AFF Cup - Việt Nam và HLV Park Hang-seo. Thông điệp rất rõ ràng, họ vẫn là đội mạnh nhất khu vực, và bây giờ chỉ có mục tiêu duy nhất là lật đổ sự thống trị của Việt Nam suốt ba năm qua.
Người Thái đã đưa ra một bài toán khó: họ đã phô trương sức mạnh bằng đội hình dự bị, liệu Việt Nam có đủ khả năng làm điều tương tự trước Campuchia hôm nay?
Đây cũng là điều mà người hâm mộ Việt Nam chờ đợi ở trận đấu với Campuchia. Trong trận đấu mà về lý thuyết không thể tự quyết định được ngôi đầu bảng để tránh Thái Lan, HLV Park Hang-seo sẽ làm gì? Thắng Campuchia là một mục tiêu không khó để hoàn thành. Nhưng thắng bằng đội hình nào, giữ phong độ cho các trụ cột ra sao? Phải tập trung nguồn lực tốt nhất để thắng, hay tự tin dùng trận này để tìm lại cảm giác bóng cho một số vị trí đang sa sút? Đó là những câu hỏi không đơn giản.
Danh sách đăng ký cho trận đấu với Campuchia tiếp tục vắng nhóm cầu thủ U23, nghĩa là sẽ không có xáo trộn với bộ khung chinh chiến hơn 15 trận từ đầu tháng 6. Chỉ riêng chi tiết này cũng nói lên được áp lực mà các học trò của HLV Park đang đối diện. Với Việt Nam lúc này, chiến thắng dường như là nhiệm vụ bắt buộc trong mọi trận đấu. Cái quãng nghỉ "xả stress" như cách dàn trụ cột Thái Lan được hưởng sẽ không xảy ra ở Việt Nam.
Ông Park tham gia màn chia đội hình đá đối kháng ở phạm vi hẹp giữa nhóm cầu thủ dự bị tuyển Việt Nam hôm 16.12. Ảnh: Đoàn Huynh
Mỗi HLV đều có toan tính riêng. Polking ở thế "không có gì để mất", còn Park thì ngược lại. Thái Lan không chủ động chọn được đối thủ ở bán kết, nên họ thoải mái trong trận cuối với Singapore. Việt Nam cần thắng đậm Campuchia để chiếm nhất bảng, tránh phải đụng sớm Thái Lan tại bán kết. Campuchia là đối thủ yếu, nhưng xét về tâm lý, họ lại đang có lợi thế để tạo ra bất ngờ trước Việt Nam. Nhưng với một người lão luyện và chi tiết từng công việc như HLV Park sẽ không có chuyện chủ quan trước Campuchia. Đằng nào Việt Nam cũng chưa thể biết được sẽ đấu với ai ở bán kết, tốt nhất vẫn là phải tập trung cho trận đấu trước mắt.
Và cuối cùng, cách mà HLV Park chọn người cho trận đấu với Campuchia cũng đã lộ ra nỗi lo lắng thực sự của ông lúc này: hệ thống tấn công và ghi bàn. Thái Lan dùng trận đá với Singapore để kiểm tra đội hình hai, thì HLV Park tận dụng trận đấu cuối cùng vòng bảng để tìm cách giải tỏa cho Tiến Linh, Đức Chinh hay Văn Toàn. Chưa tiền đạo chủ lực nào của Việt Nam ghi bàn tại AFF Cup lần này, nên trận đấu với Campuchia là cơ hội cuối cùng để họ có cảm giác ăn mừng. Nếu không làm được điều đó, xem như Việt Nam đành phải "chấp tiền đạo" ở vòng knock-out.
Còn nếu các chân sút của HLV Park "mở tài khoản", tự nhiên trận cầu với Campuchia sẽ mang nhiều giá trị.
Theo VnExpress