Việt Nam tiến hành truy vết F1 một cách thần tốc như thế nào?

17/08/2020 10:46

Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng. Việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.


Người dân trong khu vực phong tỏa trên phố Ngô Quyền (Hải Dương) nhận thực phẩm tiếp tế tại hàng rào cách ly ngày 16.8

Tính đến nay, Việt Nam, có tổng cộng 964 ca mắc COVID-19, trong đó 336 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay và 628 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25.7 đến nay là 488 ca.

Phó giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội Điều tra, giám sát dịch đã chia sẻ với báo chí về việc điều tra, giám sát dịch để sớm đẩy lùi dịch COVID-19.

- Là một chuyên gia trong lĩnh vực dịch tễ, ông đã tham gia công tác tại nhiều ổ dịch khác nhau như tại Vĩnh Phúc, Bình Thuận… Phó giáo sư có thể cho biết một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là gì?

- Như chúng ta đã biết, hiện tại COVID-19 chưa có vaccine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là cắt đứt đường lây truyền. Để làm được điều này thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng.

Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19. Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn.

F1 là chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2 m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.

Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.

Chiến lược hiện nay của chúng ta trong chống dịch tại cộng đồng, đó là phát hiện, phát hiện và phát hiện. Cách ly, cách ly và cách ly. Muốn phát hiện sớm không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Và một trong cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là phải truy vết.

Chính vì vậy, việc chống dịch trên mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “Truy vết F1 một cách thần tốc.” Có nghĩa là phải nhanh đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1.

Như tôi đã phân tích, F1 đã tiếp xúc với nguồn lây nên khả năng F1 mắc bệnh là rất lớn. Nếu người này không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, nếu không may để lọt F1 trong cộng đồng, nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus.

Khi đó, nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình của họ, sau là lây lan ra cơ quan, cộng đồng, các nhóm họp, tập trung đông người. Lúc đó dịch sẽ không ngăn chặn được nữa.

Chính vì vậy, việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng và mang tính chiến lược bắt buộc phải làm.


Phó giáo sư Trần Như Dương (trái) kiểm tra tại khu dân cư nơi có ca mắc COVID-19 số 416 tại Đà Nẵng

- Thưa ông, có thể cho phép các F1 được tự cách ly tại nhà hay không?

- Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà.

Việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút thôi hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) khi đó nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, tạo thành "lỗ thủng" trong hệ thống phòng dịch của chúng ta, để từ đó lây bệnh ra bên ngoài.

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1, Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. Chính vì vậy mà việc quản lý F1 giữ vai trò rất quan trọng.

- Ông có khuyến cáo nào đối với việc cách ly F1 tại các khu cách ly tập trung?

- Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hướng dẫn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung, trong đó có đối tượng F1.

Trong hướng dẫn đã có những quy định rất chi tiết cho từng đối tượng như người quản lý khu tập trung, người cách ly... Việc tổ chức cách ly phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung.

Vì ở những nơi này, các F1 là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, lây nhiễm virus, cho nên vào khu cách ly, việc sắp xếp từ phòng ốc, đồ dùng sinh hoạt đến việc cách ly thế nào đều phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế và được thực hiện bởi cơ quan quản lý. Theo dõi y tế phải được tiến hành bởi nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung đó.

Việc tuân thủ các quy định trong khu cách ly là rất cần thiết để tránh lây nhiễm chéo bệnh (nếu có) sang nhau.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam tiến hành truy vết F1 một cách thần tốc như thế nào?