Sáng 23.5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Việc bảo đảm người trẻ tuổi tránh xa thuốc lá sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở thế hệ tiếp theo một cách triệt để
Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5.2023 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động với chủ đề: “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá với sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; kêu gọi mọi người bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.
Chia sẻ về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê, sử dụng thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Theo ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân khiến rừng bị tàn phá và gia tăng ô nhiễm môi trường. Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm từ 3.000- 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000- 47.000 tấn nicotine và từ 300-600 triệu kg chất độc hại từ các mẩu thuốc lá.
Nhiều năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Theo ước tính của WHO, Việt Nam đã tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan sử dụng thuốc lá, ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là khoảng 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy vậy, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Mức giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá của Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá. Nguyên nhân chủ yếu là do thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp, giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên, người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới, đa dạng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ dễ dàng tiếp cận với thuốc lá.
Trao đổi tại hội nghị, Giám đốc HealthyBridge Canada Việt Nam Nguyễn Thị An nhấn mạnh tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em. Với các gia đình, việc có thành viên sử dụng thuốc lá đã lấy đi một phần thu nhập đáng kể, số tiền đó có thể sử dụng để đầu tư cho giáo dục và y tế . Ở Việt Nam, năm 2020, chi mua thuốc lá của người dân là 49.000 tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau, tử vong sớm cho 5/25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra là 24.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị An khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trong đó tập trung xử lý vi phạm các địa điểm cấm hút thuốc, quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán sản phẩm thuốc lá lậu. Việt Nam cũng cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn gia tăng sức mua, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. Sử dụng chính sách thuế và giá là giải pháp hiệu quả cao trong việc giảm tiêu dùng thuốc lá được WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo áp dụng.
Chính phủ cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện, thuốc lá nung nóng theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO; tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; truyền thông về trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, người lớn trong bảo vệ trẻ em tránh khỏi tác hại của thuốc lá...
Theo TTXVN