Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn SOM Việt Nam tại ASEAN, đã tham dự Hội nghị SOM ASEAN và Hội nghị Ban điều hành Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng
Ngày 21.6, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức cao cấp (SOM) Việt Nam tại ASEAN đã tham dự Hội nghị SOM ASEAN và Hội nghị Ban điều hành Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ ExCom).
Các Hội nghị do Chủ tịch ASEAN 2021 Brunei chủ trì theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của quan chức cao cấp 10 nước ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN.
Tại Hội nghị SOM ASEAN, các nước thảo luận các nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các hội nghị bộ trưởng liên quan sẽ diễn ra ngày 2-6.8.2021 theo hình thức trực tuyến.
Tại đây, các nước đã trao đổi và thống nhất về hướng thúc đẩy triển khai các sáng kiến, ưu tiên do Chủ tịch Brunei đề xuất trong năm 2021; trong đó bao gồm sáng kiến “Lá chắn ASEAN” (ASEAN SHIELD) nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai, Chương trình học bổng hỗ trợ năng lực cho các cán bộ trẻ ASEAN, xây dựng nhận thức chung của ASEAN về kinh tế biển xanh...
Các sáng kiến trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam cũng được trao đổi để tiếp tục triển khai.
Các nước nhấn mạnh cần sớm triển khai các kết quả của Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN diễn ra ngày 24.4 vừa qua tại Ban Thư ký ASEAN, Indonesia, trong đó có các bước và kế hoạch cụ thể thực hiện 5 điểm đồng thuận của các Nhà Lãnh đạo về vấn đề Myanmar.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nước thảo luận và nhất trí một số vấn đề và nội dung liên quan tới hợp tác của ASEAN với các đối tác đối thoại hiện có, đồng thời xem xét và trao đổi các đề nghị thiết lập quan hệ đối tác mới với ASEAN của một số nước, bảo đảm cách tiếp cận cân bằng và vai trò trung tâm của ASEAN.
Tại Hội nghị SEANWFZ ExCom, các nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân là văn kiện chủ đạo, thể hiện cam kết của ASEAN duy trì một khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân, đóng góp vào an ninh khu vực và nỗ lực chung của quốc tế trong chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân cùng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trên cơ sở đó, các nước đã thảo luận các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Ủy ban SEANWFZ diễn ra đầu tháng Tám tới, rà soát tiến triển thực hiện Kế hoạch hành động Hiệp ước giai đoạn 2018-2022 và hướng hoàn thiện Bản ghi nhớ về các hoạt động liên quan tới SEANWFZ để làm văn kiện tham khảo cho Hội nghị Kiểm điểm của các Bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (dự kiến tổ chức trong tháng Tám tới)...
Tại các Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng phát biểu khẳng định ủng hộ các ưu tiên, sáng kiến năm 2021 của Brunei; chủ động đề xuất hướng thúc đẩy triển khai các sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, bao gồm việc rà soát thực hiện Hiến chương ASEAN, tăng cường hợp tác Tiểu vùng, trong đó có hợp tác Mekong..., đồng thời đóng góp các ý kiến quan trọng để định hướng xử lý các vấn đề trong quan hệ của ASEAN với các đối tác trên cơ sở đảm bảo vai trò trung tâm của Hiệp hội. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng đã cập nhật các nước về tiến độ hoàn thiện Bản ghi nhớ về các hoạt động liên quan tới SEANWFZ.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các nước ASEAN tiếp tục duy trì các nguyên tắc và các tiếp cận nhất quán trong vấn đề Biển Đông trong bối cảnh những diễn biến phức tạp tiếp diễn trên thực địa, cùng nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982).
Về vấn đề Myanmar, Thứ trưởng nhấn mạnh việc sớm triển khai 5 điểm đồng thuận là đòi hỏi cấp thiết, có ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, hình ảnh và vai trò trung tâm của ASEAN. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đã đóng góp một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của ASEAN trong vấn đề này.
Theo TTXVN