Việt Nam sẽ sử dụng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

08/05/2014 10:54

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào Biển Đông là do lãnh đạo cấp cao nước này "bật đèn xanh"...




>>Trung Quốc ngang ngược tố Việt Nam "can thiệp"
>>
Bắc Kinh phải tuân thủ UNCLOS
>>
Yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981
>>
CNOOC phải rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>>
Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam




Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng


Trao đổi xung quanh việc Trung Quốc cho kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhắc lại: “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh điều đó”.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông có mấy điểm sai như sau: Thứ nhất là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; Thứ hai là vi phạm thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Trung Quốc (hai bên khẳng định sẽ giải quyết bằng đàm phán trong hòa bình); Thứ ba là vi phạm DOC.

Tướng Rinh cho rằng, việc kéo giàn khoan vào Biển Đông phải được sự đồng ý của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc chứ không phải việc làm tự ý của địa phương như họ vẫn nói trước đây. Và thực hiện hành động này, Trung Quốc đã tự lột bỏ "lớp mặt nạ" “trỗi dậy hòa bình” để lộ ra ý đồ độc chiếm Biển Đông. Với khát khao nguồn tài nguyên dầu mỏ tại khu vực Biển Đông, nếu đặt được giàn khoan xuống thì họ sẽ không bao giờ chịu rút đi và sẽ có những hành động mở rộng. Nhưng khả năng tịch thu giàn khoan khi họ cố tình vi phạm là rất khó. Còn để họ tự rút đi thì chỉ có sức ép từ Việt Nam, quốc tế và bản thân họ nhận thức được vấn đề thì mới có thể xảy ra.

Khi được hỏi về khả năng hành động tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng: Trung Quốc sẽ không dừng lại ở một hoạt động như thế. Họ sẽ cố gắng biến vùng hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam thành vùng có tranh chấp rồi sẽ tiếp tục giọng điệu: “gác lại tranh chấp, cùng khai thác”.

Để phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, về mặt ngoại giao, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã lên tiếng phản đối, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm trực tiếp với người đồng cấp bên Trung Quốc để phản đối và chiều 7-5 đã tổ chức họp báo quốc tế về vụ việc này.

Đánh giá về những phản ứng này của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng: “Việc chúng ta tổ chức họp báo quốc tế về vụ việc này sẽ giúp cho các nước trên thế giới có thể hiểu rõ hơn về chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông cũng như hành động kéo giàn khoan ra Biển Đông của Trung Quốc là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Còn về việc Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và  Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì điện đàm với nhau cho thấy đã có một động thái tầm Nhà nước. Nhưng việc đó chưa đủ tầm để giải quyết việc này mà phải tầm cao hơn gặp nhau để đàm phán, bàn bạc thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao”.

Về cách thức xử lý khi Trung Quốc cố tình có hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng: “Chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế đồng thời sử dụng các biện pháp ngoại giao như lên tiếng phản đối dựa vào luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc vẫn không nghe thì chúng ta có thể phản ánh các vụ việc này lên Liên hợp quốc và cũng không loại trừ khả năng kiện ra Tòa án quốc tế”.

Tuy nhiên, theo tướng Rinh, phương án kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế cũng không phải là biện pháp có tác dụng tức thời đối với những hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam như kéo giàn khoan HD-981 vào Biển Đông. Kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế cũng là một cách tuyên truyền để cho thế giới hiểu được những việc làm sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông của chúng ta.

Một lần nữa, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định: Việc lãnh đạo cấp cao giữa hai bên giải quyết là hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Nói về sức mạnh Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho hay: “Sức mạnh Việt Nam là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố gồm chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng. Và một yếu tố rất quan trọng khác chính là sự đồng tình của dư luận quốc tế. Hiện nay, tại vị trí Trung Quốc định đặt giàn khoan, mới có lực lượng bảo vệ pháp luật của Việt Nam như lực lượng Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư ra để thực hiện nhiệm vụ xua đuổi những tàu thuyền xâm phạm chủ quyền”.

Để bảo đảm vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Nguyễn Văn Rinh, chúng ta cần tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên biển bằng các lực lượng của Hải quân, Kiểm ngư, Cảnh sát biển. Tăng cường hoạt động của dân quân tự vệ trên biển và tăng cường sức mạnh chiến đấu của các đảo trên biển.

Nhắc đến 2 chiếc tàu ngầm Kilo vừa về đến Việt Nam trong thời gian qua. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết: Đó là hoạt động rất bình thường, một nhiệm vụ thường xuyên trong công tác xây dựng quân đội để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

“Dù còn yếu về nhiều mặt nhưng khi cần thiết, Việt Nam sẽ sử dụng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tôi tin Việt Nam có đủ sức mạnh tổng hợp để làm được việc đó”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định.

(tổng hợp)

(0) Bình luận
Việt Nam sẽ sử dụng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ