Ngày 7-7, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm “Gặp gỡ Moriond” (1966-2016) và Khai mạc Hội thảo quốc tế "Khoa học cơ bản và xã hội."
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Viết Ý/TTXVN)
Sự kiện có sự tham gia của trên 250 đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Các hoạt động trên nằm trong chuỗi chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 năm 2016.
Lễ kỷ niệm và hội thảo quốc tế do Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) phối hợp với các đơn vị quốc tế liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự chương trình.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam, kể từ khi thành lập đến nay đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt có rất nhiều nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel đến Việt Nam, đưa khoa học tiên tiến trên thế giới đến với Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện cam kết và chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và tỉnh Bình Định tạo mọi điều kiện để Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; cũng như tăng cường hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho xây dựng Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại tỉnh Bình Định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam rất quan tâm tới sự phát triển của nền khoa học nói chung và khoa học cơ bản nói riêng. Cụ thể, sau khi Việt Nam giành được nền độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các nhà tri thức yêu nước đang sinh sống ở nước ngoài về nước, cũng như cử rất nhiều cán bộ sang học tập và nghiên cứu khoa học ở nước ngoài để về phục vụ đất nước.
Kể từ sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã tăng đầu tư gấp hơn 30 lần so với trước đó để phát triển khoa học- công nghệ. Việt Nam cũng đã thành lập các giải thưởng Nhà nước như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Chính vì vậy khoa học và công nghệ của Việt Nam ngày càng phát triển và vươn lên cùng các nước trên thế giới.
Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam cho biết hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” là dịp đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung, đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với những chủ đề đặc thù của các nước này; tạo cơ hội để các nhà khoa học trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội.
Hội thảo có các chủ đề chính như tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi; chuyên đề khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; nghiên cứu cơ bản và hoà bình; nghiên cứu cơ bản và khí hậu; nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; nghiên cứu cơ bản và sự giáo dục cơ bản toàn cầu, kiến thức và công nghệ; chuyên đề nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác quốc tế….
Các chuyên đề hội thảo đều do các giáo sư đạt giải thưởng Nobel và các nhà khoa học danh tiếng khác trên thế giới điều hành.
VIẾT Ý(TTXVN)