Việt Nam, ngày hội non sông

21/05/2016 19:16

Bầu cử Quốc hội, là cơ sở để lập Chính phủ điều hành đất nước. Nhiều vị Đại biểu quốc hội đã hết lòng phụng sự nhân dân.


Ngày 5-1-1946 Hồ chủ tịch ra lời kêu gọi hô hào quốc dân đồng bào đi bỏ phiếu "Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình …"

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, ngày 6-1-1946 là một mốc son chói lọi. Sau khi giành chính quyền và tuyên ngôn Độc lập mồng 2 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Hồ Chủ Tịch đã nêu vấn đề tổng tuyển cử trong cả nước. Người nói: Tôi đề nghị chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…

Tại thời điểm này, nước ta đứng trước muôn vàn  khó khăn: chính quyền mới thành lập còn non trẻ, quân đội đang được xây dựng; giặc đói, giặc dốt, đang là mối đe doạ trước mắt và lâu dài…Ngân khố quốc gia trống rỗng lại có nguy cơ thù trong giặc ngoài.  ở miền Bắc bọn phản động điên cuồng phá hoại nhà nước công nông, nhân dân lại vừa chịu nạn đói chết hơn hai triệu người. Miền nam đang phải đương đầu với quân Pháp gây hấn, lăm le cướp nước ta một lần nữa. Nhưng với niềm tin sắt đá vào sức mạnh của quần chúng cách mạng, ngày 8-9-1945  Bác Hồ  đã ký sắc lệnh số14 về Tổng tuyển cử vào ngày 6-1-1946 để bầu Quốc hội, lập chính phủ chính thức, xây dựng hiến pháp của nước Việt Nam độc lập.

Ngày 5-1-1946 Hồ chủ tịch ra lời kêu gọi hô hào quốc dân đồng bào đi bỏ phiếu "Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình …"

Phải sống trong cảnh áp bức nô lệ, bị thực dân phong kiến đè nén tàn bạo dã man, mới thấy hết giá trị của độc lập . Phải sống trong cảnh đêm đen , len lỏi giữa tăm tối mới thấy giá trị ánh sáng của ngọn đèn tự do. Cả nước dâng trào niềm vui của dân tộc vừa thoát ách nô vong. Từ miền núi, đến đồng bằng, ven biển; từ nam ra bắc; từ nông thôn đến thành thị…bừng lên sức sống tự do. Toàn dân Việt Nam thực hiện quyền năng của mình với Tổ quốc thông qua lá phiếu bầu cử  Quốc hội.

Tại Hà Nội số ứng cử viên là 74 người, có 6 người trúng cử. Trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng số phiếu cao nhất( 98,4%). Tại Sài Gòn công việc bỏ phiếu gặp khó khăn, nhưng nhân dân đã bầu được 6 vị đại biểu Quốc hội khoá I, trong đó có cụ Tôn Đức Thắng, nhà cách mạng miền Nam nổi tiếng. Chỉ trong một ngày, toàn quốc đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội . ( sau này tại phiên họp đầu tiên, Quốc hội mở rộng thêm 70 vị nữa dành cho người của Quốc dân đảng và Việt nam cách mạng đồng minh hội, thành ra 403 đại biểu)

Quốc hội khoá I là kết quả của Tổng tuyển cử tự do mồng 6 tháng Giêng năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là : phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, và bỏ phiếu kín . Trong 14 năm, Quốc hội khoá I đã họp 12 kỳ, thông qua 16 luật đã chứng tỏ rằng Quốc hội hết lòng vì dân vì nước.

Thắng lợi bầu cử  Quốc hội là đòn giáng  mạnh vào âm mưu chia rẽ, lật đổ và xâm lược của đế quốc và tay sai. Những lá phiếu bầu cử Quốc hội mồng 6 tháng Giêng năm Bính Tuất giống như phiến đá góp phần tạo dựng lên bức tường thành vững chắc của nhà nước cách mạng vì dân, do dân. Ngày 2 tháng 3 năm 1946, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I  khai mạc tại Hà Nội, Bác Hồ đã nói: "… Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta…gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh, không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc"..

Bầu cử Quốc hội, là cơ sở để  lập Chính phủ điều hành đất nước. Nhiều vị Đại biểu quốc hội đã hết lòng phụng sự nhân dân. Mỗi khoá Quốc hội đều gắn với giai đoạn lịch sử của Tổ quốc. Quốc hội khoá I đã có đóng góp  quan trọng trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc của dân tộc, Quốc hội khoá II, III, IV và V đóng góp to lớn vào việc thực hiện nhiệm vụ thắng lợi chiến lược đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, và đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Quốc hội các khoá VI, VII, VIII, IX, và X , XI, XII, XIII đã phát huy thành quả đạt được các khoá trước, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hoà nhập với thế giới , xây dựng đất nước,  dân giàu nước mạnh,  xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Đã 70 năm trôi qua, 13  kỳ bầu cử, cả nước ta đã bầu ra được 5718 lượt đại biểu. Nếu tính cả ba lần bổ sung và kéo dài nhiệm kỳ ( Khoá I bổ sung 70 vị, Khoá II kéo dài nhiệm kỳ 91 vị, Khoá III kéo dài nhiệm kỳ cho 87 vị, cộng là 248 ), thì số lượt đại biểu Quốc hội Việt Nam lên tới con số 5966.

13 khoá Quốc hội vừa qua đã hội tụ được sức mạnh của toàn dân, của các cấp các ngành, các giới, các giai cấp, tôn giáo cả nước. Đó cũng chính là bài học đoàn kết mà sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công..

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Việt Nam, ngày hội non sông