Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay 2,8%, xếp thứ 5 trên thế giới và sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% vào 2021.
Tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19” chiều ngày 30.7, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay đạt 2,8%, xếp thứ 5 trên thế giới và sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% vào 2021.
Dự báo mới thấp hơn 2,1 điểm phần trăm so với triển vọng được đưa ra gần nhất của cơ quan này.
Tăng trưởng GDP rất tích cực
Đại diện WB cho rằng dịch COVID-19 không chỉ là cú sốc về y tế mà còn là cú sốc về kinh tế. Ngoại trừ Đông Á, tất cả các khu vực khác đều tăng trưởng âm. Vì vậy mức tăng trưởng GDP của Việt Nam 2,8% là rất tích cực.
Cũng theo báo cáo này, ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Về mặt này, Việt Nam lại một lần nữa cũng làm tốt so với các quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm mặc dù thấp hơn nhiều so với thời gian qua; lạm phát được kiềm chế dù Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng tín dụng của các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp.
Việt Nam cũng đã thể hiện khả năng ứng phó với tác động của COVID-19 thông qua duy trì được thặng dư thương mại và thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào dù xuất khẩu có bị chững lại trong những tháng gần đây.
Bà Stefanie Stallmeister-quyền giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: "Trong trường hợp tình hình bên ngoài kém thuận lợi, nền kinh tế sẽ chỉ đạt tăng trưởng lần lượt ở mức 1,5% vào năm 2020 và 4,5% vào năm 2021 (theo kịch bản xấu hơn). Cho dù theo kịch bản gì thì Việt Nam vẫn được cho là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm 2020."
Cũng theo bà Stefanie Stallmeister, để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng. Tuy nhiên, nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng COVID-19, Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng hiện diện của mình trên kinh tế toàn cầu và trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số của ngày mai.
Ba hướng hành động quan trọng
Để đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế trước mắt sau khủng hoảng, chuyên gia của WB cho rằng, Chính phủ cần bắt tay vào ba hướng hành động.
Một là cân nhắc gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, bắt đầu với các quốc gia an toàn với COVID-19. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch, hiện đóng góp khoảng 10% cho GDP của Việt Nam. Đó cũng là hướng hành động quan trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và chuyên gia kỹ thuật. Tuy nhiên, hướng hành động như vậy đòi hỏi phải theo dõi thận trọng vì mở cửa nền kinh tế phải được thực hiện sao cho không gây nguy hại cho những thành quả y tế đạt được đến thời điểm này.
Thứ hai là đẩy nhanh việc triển khai chương trình đầu tư công. Mặc dù chi tiêu nhanh hơn và tốt hơn là phương thức hiệu quả để thúc đẩy phục hồi thông qua tác động số nhân đến việc làm và hoạt động kinh tế, nhưng yêu cầu đặt ra là phải cải thiện đáng kể về quản lý tài chính như được diễn giải trong báo cáo này.
Thứ ba là hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tạm thời bị ảnh hưởng do khủng hoảng.
“Tuy nhiên, hướng này cần được thực hiện thận trọng vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng như nhau. Nhu cầu đặt ra là phải lựa chọn đối tượng là những doanh nghiệp hoặc ngành bị ảnh hưởng nhất để tránh lãng phí nguồn lực công. Ngoài ra, trợ giúp các doanh nghiệp ít có khả năng sống sót sau khủng hoảng COVID-19 cũng không có ý nghĩa nhiều do cơ cấu sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế sẽ thay đổi. Trong trường hợp đó, nên hỗ trợ để các doanh nhân hoặc người lao động chuyển đổi sang các hoạt động hiệu quả hơn,” chuyên gia WB nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia WB cũng nhận định, trong giai đoạn 2021-2022, nền kinh tế Việt nam dự kiến sẽ quay lại tốc độ tăng trưởng GDP trước đây ở mức khoảng từ 6%-7% mỗi năm, khi nhu cầu của nước ngoài tăng lên tại các quốc gia công nghiệp chính.
Trong vài năm tới, Việt Nam dự kiến tiếp tục hưởng lợi do chuyển hướng đầu tư và thương mại nhờ tham gia nhiều hiệp định khu vực và toàn cầu, bao gồm cả Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Chuyên gia WB lưu ý hầu hết các tham số tài chính vẫn trong vòng kiểm soát trong năm 2020, cụ thể là tốc độ lạm phát dự kiến vẫn ở mức dưới 4% trong giai đoạn 2020-2022. Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh tăng cung tiền theo tốc độ tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế nhằm kiềm chế áp lực đối với giá cả trong nước theo thời gian.
Ngoài ra, giá lương thực thực phẩm và năng lượng - hai thành tố chính trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không nên tăng quá cao nếu không phải vì lý do bị gián đoạn về chuỗi cung ứng hoặc do điều kiện khí hậu xấu đi.
Theo Vietnam+