Dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam không thả nổi, quan điểm là phát hiện dịch đến đâu, quây gọn đến đó.
Vài ngày qua, dư luận chia sẻ nhiều nguồn thông tin cho rằng nhiều quốc gia không mạnh tay áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch, mục đích là để cộng đồng có miễn dịch, giảm áp lực tới nền y tế và hạn chế tổn hại kinh tế.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định: “Quan điểm của Việt Nam là không thả nổi. Dịch sẽ diễn biến phức tạp nhưng quan điểm của chúng ta là phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời và thực hiện cách ly”.
PGS Phu cho biết, vừa qua Trung Quốc đã khống chế dịch thành công là vì thực hiện đúng theo quan điểm này. Việt Nam đã áp dụng các biện pháp này từ trước.
Nhân viên an ninh tại Nội Bài kiểm tra thân nhiệt khách nhập cảnh vào Việt Nam
Theo PGS Phu, Việt Nam có quan điểm khác, với phương châm phát hiện ổ dịch đến đâu quây gọn đến đó. Nghĩa là sắp tới dù không có các ca bùng phát ở máy bay về nữa mà bùng ở các bệnh viện, cộng đồng, ta cũng quây luôn để chống lây lan. Mai kia từng ổ dịch ở từng khu phố ta cũng xử lý như vậy.
“Mình không thả nổi như một số nước được. Hiện nay như Italy đã phải phong toả, cách ly cả nước”, PGS Phu nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến thông tin trên, tại hội nghị trực tuyến toàn tại UB Trung ương MTTQ Việt Nam chiều 11.3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định: “Việt Nam không thể áp dụng tự miễn dịch trong cộng đồng vì tiềm lực không đủ để ứng phó khi số người nhiễm bệnh tăng cao vọt. Thực hiện biện pháp này, nhóm người sức khỏe yếu, người cao tuổi cũng không thể đủ sức chống đỡ khi Việt Nam không có mấy viện dưỡng lão, gia đình nào cũng có người già, người trẻ cùng chung sống. Vậy nên, chỉ có kiểm soát để càng làm chậm quá trình lây lan, phát tán của bệnh càng tốt, thì mới chống dịch thành công”.
Do đó, người dân cần hết sức bình tĩnh, không hoang mang, thực hiện theo các hướng dẫn của các cơ quan chức năng để cùng phối hợp có trách nhiệm chống dịch Covid-19.
Do tình dịch diễn biến phức tạp, ngày 11.3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố dịch bệnh do một chủng virus corona gây ra là đại dịch, dù trước đó từng có 2 dịch bệnh khác cũng do chủng virus corona gây ra là SARS và MERS.
Khi WHO công bố đại dịch, phản ứng ở cấp độ quốc tế cũng sẽ có những khác biệt đáng kể. Khi đó, nhiều quốc gia có quyền đơn phương đóng cửa biên giới với vùng dịch, chủ động triển khai các biện pháp để dịch không lan tới quốc gia.
Đồng nghĩa không có quốc gia nào được đứng ngoài cuộc, thay vào đó phải phối hợp với nhau chặt chẽ, mạnh hơn trong cuộc chiến chống đại dịch
Sau khi Hàn Quốc khoanh vùng 2 TP Daegu và Cheongdo, mới đây Italy đã phong toả toàn đất nước, Pháp bắt đầu đóng cửa tất cả các trường học từ 16.3, Philippines tuyên bố cách ly 12 triệu dân ở thủ đô Malina trong ít nhất 30 ngày từ 15.3, Mỹ ngưng hoạt động đi lại từ EU (trừ Anh) đến Mỹ trong 30 ngày… là những động thái cho thấy đã đến giai đoạn các nước không thể thả nổi dịch Covid-19.
Tính đến ngày 15.3, dịch Covid-19 đã lan ra 149 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 154.000 ca mắc, hơn 5.800 ca tử vong.
Tại Việt Nam, hiện đã ghi nhận 54 ca mắc, trong đó chỉ tính riêng từ 6.3 đến nay đã có thêm 37 ca mới. Trong các ca mới mắc, Hà Nội và Bình Thuận có số ca mắc nhiều nhất nước, mỗi tỉnh 9 ca.
Theo Vietnamnet