Việt Nam đề nghị không quân sự hóa Biển Đông

23/11/2015 04:36

Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) trưa 22-11.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam đề nghị các nước chân thành, thiện chí cùng nhau cam kết
không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông


Trưa 22-11, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo các nước đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và quốc tế, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực nổi bật hiện nay như chống khủng bố, an ninh biển, biến đổi khí hậu... Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông. Các nước nhấn mạnh lợi ích chung và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; bảo đảm thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); xây dựng và thúc đẩy lòng tin, tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết không theo đuổi quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN và các đối tác tập trung vào những lĩnh vực cùng quan tâm như giáo dục, thu hẹp khoảng cách phát triển, nông nghiệp, kết nối, hợp tác tiểu vùng, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Về hòa bình và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn các đảo, bãi đá đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài, trong đó có nguy cơ quân sự hóa và xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực. Thực tế đặt ra yêu cầu khách quan là tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển vì mục tiêu kinh tế và phát triển, đồng thời cần sớm xử lý tình hình phức tạp để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực...

Việt Nam luôn chủ trương làm hết sức mình cùng các nước đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không làm gì gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình. Việt Nam ủng hộ việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột. Đặc biệt Việt Nam đề nghị các nước chân thành, thiện chí cùng nhau cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và phấn đấu sớm đạt được COC.

VGP

(0) Bình luận
Việt Nam đề nghị không quân sự hóa Biển Đông