Việt Nam có thể 'thừa' 4,3 triệu đàn ông vào giữa thế kỷ 21

09/11/2017 10:15

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cảnh báo tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 9.11 về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu bình đẳng giới.

Việt Nam có thể thừa 4,3 triệu đàn ông vào giữa thế kỷ 21 - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thị Yến - Ảnh: Quochoi.vn

"Nước ta đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính. Nếu năm 2006 tỉ lệ nam/nữ là 109/100 thì năm 2017 dự báo là 113/100, tỉ lệ mất cân bằng tăng lên rất nhanh", bà Yến - ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho hay.

Theo đại biểu Yến, đến giữa thế kỷ này dự báo Việt Nam có 2,3-4,3 triệu nam giới ở độ tuổi trưởng thành "dư thừa". Kinh nghiệm ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy tình trạng này làm nảy sinh nhiều hệ luỵ như "mua" cô dâu nước ngoài, phát sinh nạn hiếp dâm, bạo lực… 

Bà Yến cho rằng sở dĩ có tình trạng trên là do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, muốn có con trai nối dõi tông đường, trọng nam khinh nữ. Đặc biệt, trong xu hướng các cặp vợ chồng lựa chọn sinh ít con, cộng với điều kiện phát triển y khoa có thể dễ dàng lựa chọn giới tính thai nhi, nguy cơ chênh lệch giới tính càng ở mức báo động. 

"Cần phải có hành động ngay từ bây giờ. Đặc biệt là nâng cao công tác truyền thông, nâng cao nhận thức. Cần xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn thai nhi", đại biểu Phú Thọ đề nghị.

Ở góc độ bình đẳng giới trong chính trị, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đánh giá: Chúng ta khẳng định vai trò của phụ nữ, không ai chối cãi. Chúng ta đặt mục tiêu phải nâng tỉ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, trong lãnh đạo chủ chốt các cấp. 

"Nhưng rất tiếc là Chính phủ hiện chỉ có 1 bộ trưởng là nữ, chỉ có 16 tỉnh, thành có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỉ lệ như vậy khiến chúng ta phải chú ý đến vấn đề quy hoạch nguồn", ông Hoàng nêu. 

Việt Nam có thể thừa 4,3 triệu đàn ông vào giữa thế kỷ 21 - Ảnh 3.

Đại biểu Trương Minh Hoàng - Ảnh: Quochoi.vn. Đây cũng là vấn đề đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề cập, ông đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ và có giải pháp để nâng tỉ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, làm đại biểu Quốc hội và HĐND.

Đây cũng là vấn đề đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề cập, ông đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ và có giải pháp để nâng tỉ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, làm đại biểu Quốc hội và HĐND.

Trong khi đó, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) nêu một thực trạng khác: Hiện nay có nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, miền núi phải tha phương sang nước ngoài lao động. 

"Gia đình những phụ nữ ấy phải sống cảnh mẹ xa con, vợ xa chồng. Nhiều phụ nữ xuất cảnh trái phép ra nước ngoài phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành, bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, bị bắt và xử lý bởi cơ quan chức năng nước sở tại", bà Loan phát biểu.

LÊ KIÊN(Tuổi trẻ)

Đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương):
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ

Thời gian qua, công tác bình đẳng giới (BĐG) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên còn nhiều vấn đề chưa bình đẳng cần được quan tâm.

Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp 2016-2021 tăng hơn nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt so với mục tiêu của chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 là trên 35%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 là 25%. Tuy nhiên thực tế chỉ tiêu này có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng đều không đạt ở tất cả các cấp, tỉnh chỉ là 13,3%; cấp huyện 14,3% và cấp xã 19,69%. Số cán bộ nữ tham gia cán bộ chủ chốt ở các cấp và cơ quan có đông lao động nữ (30%) cũng chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Có thể nói số lượng phụ nữ tham chính khiêm tốn như vậy sẽ tác động, ảnh hưởng đến tiếng nói của giới nữ trong hoạch định chính sách. Việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoạch định chính sách vốn chưa được quan tâm nhiều lại càng gặp khó khăn.

Tỷ lệ lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, tay nghề ở thành thị và nông thôn đều thấp hơn so với nam giới ở mức từ 4,2 - 6,1%.

Lực lượng lao động nữ tại Việt Nam tính đến năm 2016 chiếm 48,4%, chủ yếu làm những công việc lao động giản đơn, ở khu vực không chính thức, yêu cầu kỹ thuật và lương thấp. Trong khi lao động gia đình chiếm 66,6% thì làm công ăn lương 42,1%. Mặt khác ngoài việc phải gánh vác công việc tạo ra thu nhập, phụ nữ còn bảo đảm trách nhiệm trong chăm sóc, nuôi dưỡng gia đình, sinh đẻ bảo tồn nòi giống. Thực tế này cản trở khả năng, cơ hội học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của chị em.

Không chỉ khi còn công tác mà đến khi nghỉ hưu mức lương hưu  của phụ nữ cũng thấp hơn nam giới, do mức lương trước khi nghỉ hưu của phụ nữ chỉ bằng 87% so với nam giới. Mặt khác thời gian làm việc của phụ nữ ngắn hơn nam giới là 5 năm tương ứng với thấp hơn nam giới gần 2 bậc lương. Như vậy, việc hưởng lương hưu thấp hơn và tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới dẫn đến nhiều phụ nữ cao tuổi bị sống phụ thuộc, hoặc cuộc sống khó khăn hơn.

Ngoài ra, những bất bình đẳng liên quan đến giới đối với nhóm đối tượng lao động nữ nông thôn cũng đang đối diện với rất nhiều thách thức xuất phát từ chất lượng việc làm chưa cao, thu nhập thấp, công việc bấp bênh, không ổn định.

Việc thực hiện chế độ và điều kiện làm việc đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp như thời gian nghỉ cho con bú, khám thai... chưa được thực hiện nghiêm túc. Vẫn còn lao động nữ không dám nghỉ sinh con đủ 6 tháng do khi quay trở lại có thể bị mất việc làm. Đa số lao động nữ đang sống trong những khu nhà trọ với chỗ ở chật hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thiếu nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt tinh thần cho họ. Chị em ít có điều kiện tiếp cận với các thông tin, các hoạt động văn hóa, xã hội. Mặt khác tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó đa số là phụ nữ. Chị em gặp khó khăn trong học nghề, tìm lại việc làm, họ phải trở về quê để làm những công việc tự do, không ổn định và thu nhập thấp...       

Tôi xin kiến nghị những vấn đề sau:

Đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét mở rộng đối tượng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của cán bộ nữ nhằm thực hiện khoản 3 điều 187 của Bộ luật Lao động. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, hoặc quy định thời gian nâng bậc lương đối với lao động nữ ngắn hơn (là 2,5 năm/bậc). Có cách tính bảo hiểm cho phù hợp đối với lao động nữ để khắc phục tình trạng bất bình đẳng ở lĩnh vực này.

Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các  chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong doanh nghiệp và những doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.

Nghiên cứu sửa đổi bộ tiêu chí thống kê phát triển giới của quốc gia trên chỉ số giới cơ bản và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Cần thống kê số liệu có tách biệt về giới tính, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong quá trình thống kê, bảo đảm khả thi và chính xác của số liệu.

Đưa nội dung giáo dục về giới và BĐG vào chương trình giáo dục ở các cấp học; bảo đảm lồng ghép giới trong xây dựng chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông.

Cần xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành và UBND các cấp, người đứng đầu về thực hiện chỉ tiêu BĐG. Đưa việc thực hiện tiêu chí BĐG vào bộ chỉ số đánh giá cải cách thủ tục hành chính đối với các cơ quan, đơn vị.

(0) Bình luận
Việt Nam có thể 'thừa' 4,3 triệu đàn ông vào giữa thế kỷ 21