Đoàn thể thao Việt Nam đã có tấm huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận hội đặc biệt (Special Olympics World Games), còn gọi là giải Thể thao thế giới dành cho Người khiếm khuyết trí tuệ.
Vận động viên Nguyễn Châu Hoàng Phúc (thứ 6, phải sang) giành huy chương vàng môn bóng gỗ
Sáng 21.6, Ban tổ chức đã tiến hành trao tấm huy chương vàng (HCV) môn bóng gỗ (Bocce) quý giá cho Nguyễn Châu Hoàng Phúc sau khi vận động viên sinh năm 2004 này xuất sắc vượt qua vận động viên Molefe Katso của Tổ chức Special Olympics (SO) Botswana ở trận chung kết đầy kịch tính. Đây thực sự là phần thưởng rất đáng quý sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt lên trên chính mình của cá nhân Hoàng Phúc và Tổ chức Special Olympics Việt Nam (SO Vietnam) tham dự Thế vận hội năm nay. Bày tỏ xúc động khi giành được tấm HCV, Phúc nói rằng em muốn gửi niềm vinh dự này cho bố mẹ, thầy cô và tất cả bạn bè, những người luôn bên cạnh động viên và chia sẻ, giúp em có được động lực để không ngừng vươn lên trong luyện tập cũng như trong cuộc sống. Em bày tỏ mong ước sau này trở thành vận động viên chuyên nghiệp để có cơ hội giúp đỡ những bạn cùng hoàn cảnh được chơi thể thao và được sống với đam mê của mình.
Tham dự sự kiện thể thao lần này, bà Đoàn Thị Hải Anh, Trưởng đoàn SO Vietnam cho biết trong những ngày qua, các vận động viên đoàn Việt Nam đã tham gia thi đấu ở 3 bộ môn là điền kinh, bơi và bóng gỗ, trong đó có một vận động viên môn điền kinh và một vận động viên môn bơi đã lọt vào vòng chung kết. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn vận động viên thi đấu trong những ngày tới. Bà cũng cho biết, tinh thần của các vận động viên đang rất phấn chấn. Họ đã dần quen với nhịp sống, cũng như cường độ tập luyện, thi đấu tại Berlin, trong khi cũng không gặp khó khăn trong vấn đề đi lại, sinh hoạt.
Bà đánh giá cao công tác tổ chức của Đức cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của các tình nguyện viên đối với không chỉ đoàn SO Vietnam, mà với tất cả các đoàn tham dự Special Olympics. Bà nhấn mạnh bản chất chương trình đã mang một ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các tổ chức và xã hội với những người bị khiếm khuyết cả thể chất và trí tuệ. Thông qua việc tham gia thi đấu và giao lưu cùng những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, các vận động viên sẽ tự tin hơn và hoà nhập hơn với xã hội.
Sự nhân văn của Special Olympics được thể hiện ngay ở lời tuyên thệ trong ngày khai mạc sự kiện, đó là: "Hãy để tôi chiến thắng, nhưng nếu không thể, hãy để tôi dũng cảm nỗ lực". Lá cờ biểu tượng của Special Olympics với phông chữ đen trên nền trắng, cùng hình ảnh 5 người tượng trưng cho 5 châu lục tham gia Thế vận hội cũng mang một ý nghĩa đặc biệt: Mỗi người có 6 cánh tay, trong đó hai cánh tay chỉ hướng xuống biểu trưng cho thái độ và cảm xúc gắn liền với người khiếm khuyết trí tuệ, trong khi các cánh tay duỗi ngang biểu trưng cho sự bình đẳng và những cánh tay giơ cao thể hiện niềm vui và hạnh phúc khi đạt được mục tiêu. Với hầu hết các vận động viên, trước khi đến với Special Olympics, các em thường có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ và bản thân thường cảm thấy tự ti và mặc cảm về những khiếm khuyết. Thực tế là tới nay, chưa có nhiều người biết tới phong trào Special Olympics World Games đã có từ năm 1968 này, dù đây hiện là phong trào thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khiếm khuyết trí tuệ và đa khuyết tật, được Ủy ban Olympic quốc tế chính thức công nhận.
Bạn Nguyễn Xuân Hương Mai hiện sinh sống và làm việc tại Đức và là chị gái của vận động viên Nguyễn Ngọc Lan Anh tham dự bộ môn bơi ở Thế vận hội năm nay, chia sẻ rằng chị quyết định làm tình nguyện viên cho Special Olympics bởi tính nhân văn của sự kiện này. Là một tình nguyện viên, Hương Mai cho biết chị học được rất nhiều điều từ các tình nguyện viên khác và luôn cố gắng quan tâm, đối xử công bằng với tất cả các vận động viên. Hương Mai bày tỏ mong ước sẽ có thêm nhiều sân chơi như Special Olympics ở Việt Nam để các bạn cùng cảnh ngộ có thể được tham gia và trải nghiệm. Bên cạnh đó, đây là dịp để các gia đình nâng cao nhận thức, tiếp tục động viên con em gặp phải khiếm khuyết trí tuệ luyện tập thể thao, góp phần vào sự phong phú và đa sắc màu cho xã hội. Một tình nguyện viên khác là bạn Nadine Heinzel bày tỏ, đây là sự kiện và cơ hội tuyệt vời để tất cả các vận động viên dù có bị khiếm khuyết trí tuệ hay không đều có thể thể hiện được khả năng của mình. Heinzel cũng bày tỏ niềm vui và vinh dự được trở thành một tình nguyện viên, giúp chị học hỏi được nhiều điều, được làm quen và trao đổi với các bạn ở khắp năm châu.
Theo TTXVN