Giảng viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu và chế tạo thành công vi mạch chuyên dụng mã hoá video đầu tiên tại Việt Nam.
Đề tài do PGS Trần Xuân Tú chủ trì đã thiết kế, xây dựng kiến trúc phần cứng để thực hiện chức năng mã hoá video tương thích với chuẩn H.264/AVC dùng cho các thiết bị di động. Sau khi thiết kế thành công, bản thiết kế đã được gửi đi sản xuất tại hãng Global Foundry với công nghệ bán dẫn CMOS 130 nm.
VENGME H.264/AVC là vi mạch chuyên dụng thế hệ vi mạch đang được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay và có độ phức tạp rất cao, tích hợp trên hai triệu cổng lô-gic (tương đương 8 triệu transistors). Nhóm còn có một số phát triển giải pháp riêng như kỹ thuật xử lý đường ống 4 tầng, phương pháp tái sử dụng dữ liệu, kỹ thuật thiết kế công suất thấp.
Vi mạch mã hóa video VNU-UET VENGME H.264/AVC @2014 do nhóm nghiên cứu của PGS Trần Xuân Tú thiết kế và chế tạo. Ảnh: Bùi Tuấn. |
Vi mạch có một số tính năng vượt trội, có thể xử lý thời gian thực các video có độ phân giải lên tới HD 720p ở tần số 100MHz, với công suất tiêu thụ chỉ 53 mW. Nhóm tác giả đã công bố 10 bài báo trong hệ thống ISI/Scopus và được cộng đồng khoa học quốc tế quan tâm, trích dẫn 26 lần.
Vi mạch mã hoá tín hiệu video này hướng tới các ứng dụng như camera giám sát các thiết bị di động, máy quay video. Tại lễ công bố hôm nay, trường Đại học Công nghệ và Công ty TNHH Giải pháp Thông minh Sài Gòn đã ký thoả thuận chuyển giao công nghệ và hợp tác phát triển thiết bị ứng dụng đối với VENGME H.264/AVC.
Sản phẩm công nghệ của đề tài cũng đã được chia sẻ một phần với Viện Điện tử và Tin học thuộc Uỷ ban năng lượng nguyên tử (CEA-LETI) của Cộng hoà Pháp để tiếp tục phát triển theo hướng giảm sâu công suất tiêu thụ - một trong những yêu cầu ngày càng gắt gao của các thiết bị di động hướng công nghệ xanh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Ban Cơ yếu Chính phủ) cho biết Ban Cơ yếu cũng đặt mục tiêu sớm thiết kế một vi mạch để sử dụng trong ngành. "Chúng tôi có những buổi làm việc với PGS Tú và thấy khả năng hợp tác sau buổi công bố rất khả quan", ông Bình nói.
"Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia định hướng phát triển vi mạch, Quỹ đổi mới công nghệ cũng đặt mục tiêu phát triển vi mạch điện tử là một trong những hướng chủ đạo. Bộ Khoa học công nghệ sẽ tạo điều kiện để các đơn vị nghiên cứu và đào tạo có thể tham gia đồng hành vào các chương trình của Bộ Khoa học công nghệ", ông Nguyễn Văn Tăng, đại diện Văn phòng chương trình phát triển sản phẩm quốc gia (Bộ Khoa học Công nghệ), khẳng định.
Vi mạch là phần cơ bản, mấu chốt trong tất cả các sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử. Với sản phẩm này, Việt Nam còn có thể làm chủ công nghệ điện tử phục vụ an ninh quốc phòng, thiết kế và chế tạo vi mạch điện tử quan trọng trong hệ thống vũ khí, khí tài quân sự, hệ thống định vị mục tiêu; bảo mật thông tin.
Hoàng Thùy (VnExprees)