Bài thơ không dụng công nghệ thuật nên cái hay và sức ám ảnh của nó là ở cảm xúc. Phảng phất một chút buồn, một chút luyến tiếc và những khát khao thường nhật của người phụ nữ cứ làm ta trăn trở.
Độc giả biết đến Nguyễn Thị Việt Nga với tư cách nhà văn nhưng chị là một cây bút đa tài. Chị không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn, truyện dài, bút ký, lý luận phê bình mà thơ chị khá ấn tượng. Những bài thơ được viết ra bằng cảm xúc chân thành, mãnh liệt, bằng trực cảm của người phụ nữ giàu yêu thương và khát khao. Là phụ nữ viết về nỗi lòng của phụ nữ, như bản tự thuật của trái tim mình, Việt Nga đã gieo vào lòng người đọc những đồng cảm và suy tư. "Viết cho chồng" là một bài thơ như thế.
Bài thơ mở ra hai thế giới dường như đối lập của chính một con người. Người phụ nữ nào, người vợ nào mà chẳng trải qua một thời thiếu nữ trẻ trung, vô tư, hồn nhiên, nhí nhảnh, dại khờ… cho đến khi bước ngoặt cuộc đời bắt đầu từ cái ngày đôi ta về chung một mái nhà: "Thế là em thành thiếu phụ/Nét vô tư đã vơi dần/Âu lo hằn lên khóe mắt/Tiếng cười cũng bớt trong hơn".
Lời thơ tự sự, bộc bạch, giản dị, thoáng chút nuối tiếc xa xăm. “Thế là em thành thiếu phụ”, em thành con dâu, thành vợ, thành mẹ. Em gánh trên đôi vai nhỏ bé bao trọng trách cùng một lúc thì làm sao em còn có thể “vô tư” như ngày em còn là thiếu nữ được nữa nên “Nét vô tư đã vơi dần”, “Tiếng cười cũng bớt trong hơn”, thay vào đó là những “Âu lo hằn trên khóe mắt”. Xưa em như búp bê nhí nhảnh vô lo vô nghĩ, được nâng niu chiều chuộng thì nay em bận rộn với những lời ru ầu ơ bên cánh võng, để con chìm vào giấc ngủ bình yên. Nhưng nào đã hết âu lo bởi có biết bao nỗi lo chất chứa trong lòng, nỗi lo choán hết tâm trí, lo từ những điều nhỏ nhặt, thường xuyên “Lo từng đêm chồng về muộn” đến những nỗi lo về sự bất thường xảy ra trong cuộc sống, làm sao lường trước được tất cả nên “Lo trời bất chợt bão giông” cũng phải thôi.
Cái được và cái mất song hành hiển hiện trong bài thơ. Người phụ nữ có chồng, có con tự ý thức được những đổi thay lớn lao của chính mình: "Viển vông gửi về mây gió/Bao nhiêu nông nổi qua rồi/Xòe tay biết mình bớt dại/Trước bao đen trắng cuộc đời".
Em bớt vô tư, không còn “nhí nhảnh” như thuở nào, chẳng còn “viển vông” hão huyền, “nông nổi qua rồi” và “Xòe tay biết mình bớt dại”. Phải chăng đó là những cái “được” bởi người phụ nữ trong “em” đã trưởng thành hơn, chín chắn hơn? Không ngờ, khổ thơ tiếp theo, Việt Nga làm ta sững lại bởi những sự thật trần trụi: "Em quên những chiều thứ bảy/Anh quên những đoá hoa hồng/Suốt ngày bên nhau sớm tối/Ta toàn nói chuyện tiền nong".
Người phụ nữ có chồng, người đàn ông có vợ khi đọc đến đây hẳn sẽ giật mình, sẽ nhìn lại chính mình bởi có phần nào bóng dáng mình trong đó để rồi lặng lẽ ngẫm ngợi, nghĩ suy. Việt Nga viết cho chồng mình nhưng chị đã nói hộ tâm sự của biết bao người thiếu phụ khác. Bao mơ mộng, lãng mạn, hẹn hò vào những chiều thứ bảy chỉ còn trong ký ức xa xôi. Bao đóa hồng tình yêu anh tặng em chỉ còn là kỷ niệm. Em quên rồi, anh cũng chẳng nhớ. Hiện thực phũ phàng khiến lứa đôi bàng hoàng. Những mộng mơ, thi vị của tình yêu đâu rồi ? Vất vả, lo toan với cơm áo, gạo tiền đã len lỏi và chi phối cuộc sống vợ chồng từ khi nào, để đến lúc chợt nhận ra khiến ta thảng thốt. Khổ thơ này bắt nguồn từ tứ thơ của nhà thơ Nga Maurice Carême, kể về "Cậu bé và cô bé", họ cùng có bao ước mộng, khát khao từ thuở ấu thơ nhưng những ước mộng ấy mãi chỉ là giấc mơ xa vời, không sao cất cánh lên được khi họ "nên vợ nên chồng": "Với nhau sớm trưa chiều tối/Họ toàn nói chuyện tiền nong" (bản dịch của Hồng Thanh Quang, năm 1986).
Quy luật tình yêu của nhân loại muôn đời chẳng thay đổi. Chuyện tình của hàng triệu người trên trái đất chẳng ai giống ai nhưng người ta vẫn nhìn ra mẫu số chung của những mối tình ấy. Khi "tiền nong" trở thành gánh nặng, trở thành thước đo trong cuộc vật lộn mưu sinh thì những mộng mơ cũng vơi dần theo năm tháng. Viễn cảnh "Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng" chỉ có trong những câu chuyện cổ tích chăng? Những điều nhỏ bé, bình dị trong đời sống tâm hồn đôi lứa như bị lãng quên, để khi giật mình nhìn lại người vợ ấy khao khát cháy bỏng: "Bỗng dưng em thèm được khóc/Bỗng dưng muốn được dỗi hờn/Bỗng dưng cứ thèm được hỏi/Bản nhạc này em thích không…".
Người thiếu phụ đã không còn nông nổi, bớt dại, đã khôn lên theo thời gian tuổi đời nhưng tình yêu thì cũng vơi dần theo năm tháng nhọc nhằn. "Viết cho chồng" để chồng tỉnh ngộ, để vợ chồng cùng nhau vun đắp, tưới tắm chăm sóc hằng ngày cho cái "cây tình yêu" mãi mãi xanh tươi, nở hoa, kết trái. Người vợ vốn nhạy cảm nên đã bộc bạch những nỗi "thèm" rất đơn giản: thèm được khóc, được dỗi hờn, được quan tâm, được hỏi "Bản nhạc này em thích không…". Chỉ cần thế thôi, hỡi các đức ông chồng, tình yêu sẽ lại hồi sinh.
Bài thơ không dụng công nghệ thuật nên cái hay và sức ám ảnh của nó là ở cảm xúc. Phảng phất một chút buồn, một chút luyến tiếc và những khát khao thường nhật của người phụ nữ cứ làm ta trăn trở.
TRẦN THỊ LÀNH
Viết cho chồng Thế là em thành thiếu phụNét vô tư đã vơi dần Âu lo hằn lên khóe mắt Tiếng cười cũng bớt trong hơn. Búp bê ngày xưa nhí nhảnh Bây giờ ngồi hát ru con Lo từng đêm chồng về muộn Lo trời bất chợt bão giông. Viển vông gửi về mây gió Bao nhiêu nông nổi qua rồi Xòe tay biết mình bớt dại Trước bao đen trắng cuộc đời Em quên những chiều thứ bảy Anh quên những đóa hoa hồng Suốt ngày bên nhau sớm tối Ta toàn nói chuyện tiền nong Bỗng dưng em thèm được khóc Bỗng dưng muốn được dỗi hờn Bỗng dưng cứ thèm được hỏi Bản nhạc này em thích không… NGUYỄN THỊ VIỆT NGA |