Từ điển chính tả lại sai chính tả, liên tiếp. GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học trao đổi quanh câu chuyện nhức nhối này, và sự cần thiết có Luật tiếng Việt.
- Hàng loạt cuốn từ điển, từ điển chính tả tiếng Việt thời gian gần đây được phát hiện sai chính tả và nhiều lỗi sai khác. Sai sót này nghiêm trọng tới mức nào thưa giáo sư?
- Tôi và nhiều đồng nghiệp rất buồn khi qua báo chí biết hàng loạt cuốn từ điển, từ điển chính tả tiếng Việt bị phát hiện sai chính tả và nhiều lỗi sai khác. Trách nhiệm thuộc về ai? Tôi đồ rằng phần đông các nhà ngôn ngữ học lâu nay không đọc các từ điển loại này, vì không có lý do để đọc. Cụ thể nếu có trường hợp nào ngờ ngợ về chính tả, đã có Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê để tra cứu.
Trên giá sách của tôi không có các từ điển chính tả này. Các đồng nghiệp nghiên cứu ngôn ngữ nếu được tác giả tặng, tôi nghĩ họ cũng đọc qua vài trang. Bởi chẳng ai nghi ngờ hay bỗng dưng nổi hứng ngồi đọc cả cuốn để phát hiện các lỗi như vừa thấy. Để xảy ra những lỗi như vậy rất nghiêm trọng, vì đã là từ điển chính tả cần hướng dẫn đúng để người dùng viết đúng chính tả. Một khi hướng dẫn không đúng, thậm chí hướng dẫn ngược lại với chính tả đúng, hậu quả sẽ làm rối loạn chính tả.
GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học
- Vậy giáo sư có thể chỉ ra căn nguyên của những sai sót này?
- Tôi nghĩ chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Đúng là có sự khác biệt về hệ thống ngữ âm trong các phương ngữ của Việt Nam, có sự thay đổi của một số dạng chính tả qua thời gian: Trước đây vài chục năm viết giòng sông nhưng hiện nay phần lớn viết là dòng sông, cũng có một số trường hợp chính tả chấp nhận lưỡng khả như trời/giời, hàng ngày/hằng ngày...
Tuy nhiên đối với những lỗi sai được phát hiện qua báo chí thời gian gần đây, tôi nghĩ lỗi chủ quan là chính. Thứ nhất, tác giả có thể đã không có quan điểm đúng về từ điển chính tả, nên đưa vào từ điển chính tả những dạng viết sai đang lưu hành. Theo tôi dù các địa phương có thể phát âm khác nhau, nhưng khi viết thì phải viết đúng chính tả. Từ điển chính tả chỉ đưa ra dạng viết đúng, những trường hợp chấp nhận lưỡng khả phải có chú thích. Thứ hai, có thể tác giả đã hiểu sai về một số trường hợp cụ thể, như không thấy sự khác biệt giữa chia xẻ và chia sẻ hoặc đã không cẩn trọng rà soát lại lỗi chế bản như đan lờ bị đánh máy sai thành đau lờ- qua hai lần in vẫn không phát hiện.
Các lỗi này nghiêm trọng vì dẫn đến tình trạng loạn chính tả, từ đó ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Các tác giả làm từ điển chính tả và nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm thôi. Những cuốn này là công trình riêng của tác giả, không lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước nên không phải qua thẩm định của các hội đồng khoa học. Vì thế tôi đánh giá cao những thẩm định đầy trách nhiệm của các nhà nghiên cứu khi phát hiện những lỗi sai. Những thẩm định có tính phê phán không khoan nhượng về những trường hợp hướng dẫn viết chính tả không đúng như thế là rất cần thiết, để những người làm từ điển cẩn trọng hơn, cái gì phải chắc chắn mới đưa vào từ điển. Các nhà xuất bản phải có trách nhiệm hơn, phải có đội ngũ biên tập có chuyên môn giỏi cũng như phải có cơ chế để các nhà khoa học được tham gia thẩm định.
Lỗi trong từ điển của GS Nguyễn Khang
- Các tác giả biên soạn hay chủ biên của những cuốn từ điển có sai sót nói rằng những trường hợp được cho là sai vẫn đang gây tranh cãi là “lưỡng khả, đa khả”, vì thế tác giả xử lý theo quan điểm cá nhân. Nói như vậy có thuyết phục không thưa giáo sư?
- Những trường hợp lưỡng khả thật sự trong tiếng Việt không nhiều, và nếu có tác giả từ điển chính tả phải có chú thích. Không nên đánh đồng trường hợp lưỡng khả với những trường hợp viết sai chính tả rành rành mà báo chí chỉ ra. Những lỗi như vậy rất sơ đẳng và ngược với chính tả hiện hành. Thêm nữa đã gọi là “chính tả” thì không thể xử lý theo quan điểm cá nhân. Không thể bao biện rằng chưa có cái gọi là “chuẩn chính tả”, theo cái nghĩa là chưa có một văn bản chính thức từ Nhà nước, để có thể xử lý theo quan điểm cá nhân (mà số đông phản đối) về chính tả.
Theo tôi dù chính tả có những biến động qua thời gian, có một số trường hợp lưỡng khả nhưng ở bất kỳ một lát cắt đồng đại nào cũng có những quy ước về chính tả được cộng đồng thừa nhận.
- Từng có ý kiến về việc cần có Luật ngôn ngữ hay Luật tiếng Việt, vậy quan điểm của giáo sư ra sao? Liệu có Luật rồi thì những vấn đề sai sót hay tranh cãi về chính tả như hiện nay có thể được giải quyết không?
- Xây dựng và ban hành Luật ngôn ngữ, hay hẹp hơn là Luật tiếng Việt, là mơ ước của nhiều thế hệ nghiên cứu ngôn ngữ và của xã hội nói chung. Hiến pháp 2013 có điều khoản khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, vì thế cần có Luật tiếng Việt để bảo vệ tiếng Việt, và liên quan đến tiếng Việt là chính tả tiếng Việt.
Tuy nhiên Luật tiếng Việt không thể “cầm tay chỉ việc” để có thể viết đúng chính tả trong tất cả các trường hợp. Luật tiếng Việt có nhiều nội dung, chẳng hạn khẳng định vị thế của tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia, quan hệ giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc anh em, với ngoại ngữ, việc sử dụng tiếng Việt trong giáo dục, trong truyền thông… Chính tả chỉ có thể là một nội dung trong Luật tiếng Việt mà thôi. Và theo quan điểm của tôi, điều khoản về chính tả trong Luật Tiếng Việt chỉ có thể nêu ra những quy định chung như quy định viết hoa, nêu chế tài đối với việc lạm dụng tiếng nước ngoài hay viết sai chính tả trên các phương tiện truyền thông, trên các ấn phẩm chính thức...
Luật tiếng Việt chẳng thể chế tài được những cách nói/cách viết cá nhân, trong các diễn ngôn/văn bản mang tính sinh hoạt đời thường. Tóm lại, nếu mỗi người không có ý thức rèn luyện viết đúng chính tả và nếu để tiếp diễn tình trạng có nhiều từ điển chính tả sai sót như vừa qua (sai về quan niệm biên soạn, sai trong xử lí nhiều trường hợp cụ thể) thì không có Luật ngôn ngữ hay Luật tiếng Việt nào có thể cứu được.
Xin cảm ơn giáo sư!
Theo Tiền phong