Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 25.11.2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020.
Theo đó, sẽ có nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2020.
3 trường hợp hưởng "viên chức suốt đời"
Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 đã sửa đổi, bổ sung một nội dung quan trọng tại Điều 25 Luật viên chức 2010 , cụ thể luật này quy định hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng (thay vì từ đủ 12 tháng đến 36 tháng). Đáng chú ý nhất là hợp đồng này áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 1.7.2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.
Như vậy có nghĩa là từ ngày 1.7.2020 sẽ không còn trường hợp viên chức thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn được mặc nhiên chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nữa, mà thay vào đó viên chức sẽ phải ký hợp đồng làm việc có thời hạn và tất cả các trường hợp viên chức chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn.
Tuy nhiên, viên chức sau khi xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn sẽ được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn khi thuộc một trong 3 trường hợp sau đây:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020;
- Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật viên chức 2010 (tức là đối tượng viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng);
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nới lỏng điều kiện giải quyết nghỉ hưu
Cụ thể, theo Khoản 8 Điều 2 luật này sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 56 Luật viên chức 2010, viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật. (theo quy định hiện hành thì sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho những đối tượng này). Như vậy, có thể thấy, Luật sửa đổi đã nới lỏng điều kiện giải quyết nghỉ hưu đối với viên chức so với quy định hiện hành tại Luật viên chức 2010.
6 trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc
Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm một trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, là: "Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự".
Hiện nay, quy định này cũng đã được đề cập tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP về việc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với người tập sự, tuy nhiên chưa được chính thức quy định trong Luật.
Như vậy, từ 1.72020 sẽ có 6 trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc. Cụ thể
- Viên chức có 2 năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;
- Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 của Luật Viên chức;
- Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 6 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;
- Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.
Theo đó, khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức thì viên chức sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội trừ trường hợp bị buộc thôi việc.