Việc tử tế

18/05/2015 16:45

Ai đã vào thăm nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, hẳn sẽ thấy cái bàn làm việc đơn sơ của Bác Hồ.


Ngoài cặp kính, bút, công văn, giấy tờ, ở ngay giữa bàn là mấy tập sách in khổ nhỏ, xếp ngay ngắn. Đó là những tập sách “người tốt việc tốt” của các Nhà xuất bản Phổ thông, Kim Đồng, Phụ nữ, Quân đội nhân dân… Giữa những năm cả nước dồn sức kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác không quên một nhân tố quan trọng là con người. Phải chăm lo xây dựng con người. Bác khuyến khích mọi người làm việc tốt. Bác nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt đều là những bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Bác cho rằng viết “người tốt việc tốt” là để nêu gương những người bình thường hằng ngày có những hành động bình thường mà anh hùng, xứng đáng được học tập, ai ai cũng có thể làm theo. Bác đã theo dõi các gương “người tốt việc tốt” trên báo chí để thưởng huy hiệu của Người. Ai được Bác thưởng đều coi đó là vinh dự đặc biệt.

Ngày nay, tiếp nối ý tưởng của Bác, các cơ quan báo chí đã nêu gương “người tốt việc tốt” bằng nhiều hình thức mới. Một trong những cách lựa chọn để biểu dương những con người bình thường làm việc tốt ấy đang được Đài Truyền hình Việt Nam khai thác làm chuyên mục “việc tử tế”, phát thường xuyên hằng ngày trong chương trình Chuyển động 24h. “Việc tử tế” quả nhiên đã có tác dụng lan tỏa trong dư luận xã hội. Nó khẳng định một điều: Mọi người, bất kể già hay trẻ, giàu hay nghèo đều có thể làm những “việc tử tế”, giúp ích cho cộng đồng. Họ làm một cách tự giác, xuất phát từ cái tâm, chứ không khoe khoang, mong lên đài, lên báo… Chỉ xin nêu một vài ví dụ. Quốc lộ 5 chạy qua tỉnh ta thường hay xảy ra tai nạn giao thông. Sau mỗi vụ va chạm lại diễn ra một cảnh đau lòng, người bị nạn máu me, quằn quại ven đường. Lúc ấy, cứu người là cấp thiết nhất. Trước các thảm cảnh ấy, bà Đào Thị Liên ở thôn Phạm Xá, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) ngay sát quốc lộ đã lập ra một điểm sơ cấp cứu, lấy nhà mình làm giường bệnh và chính bà, một cán bộ y tế về hưu là người thường trực. Nhiều năm qua, bà đã cứu giúp bao nhiêu người. Chuyên mục “việc tử tế” đã tôn vinh bà là “Hiệp sĩ giao thông”. Tại các bệnh viện lớn của tỉnh, nhiều bệnh nhân nghèo ở tuyến dưới bị bệnh nặng phải chuyển lên điều trị trong hoàn cảnh túng thiếu, bữa ăn hằng ngày qua quýt cốt cho xong bữa. Biết tình cảnh đó, Câu lạc bộ Niềm tin xanh tháng đôi lần nấu những nồi cháo to, mang đến phân phát. Đã có người bệnh chảy nước mắt, vì tô cháo ấy đỡ cho họ mấy chục nghìn đồng chứ đâu có ít? Báo Hải Dương còn đưa nhiều tin về những người làm “việc tử tế” mà đọc được, ai cũng thán phục. Bà cụ Vĩnh, 83 tuổi, già nua ốm yếu, ở thôn Lôi Trì, xã Hồng Khê (Bình Giang), sống với hai người con gái bệnh tật, cô lớn bị bệnh tim, cô nhỏ bị tâm thần. Cô em này lại đẻ sinh đôi hai cháu gái mà không biết bố là ai. Năm người chui rúc nhờ một gian bếp xập xệ nhỏ hẹp của một người cháu. Người con gái ngơ ngơ ngẩn ngẩn hằng ngày đi mò cua bắt ốc, lượm ve chai, khi đi phải có cô chị theo dõi trên bờ, ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng. Một đồng chí cán bộ hưu ở TP Hải Dương biết tin, đã dè sẻn chi tiêu, mang đến biếu cụ Vĩnh 20 kg gạo, một bọc quần áo lành lặn sạch sẽ và một triệu đồng, gọi là “của ít lòng nhiều”. Báo còn đăng nhiều “việc tử tế” khác, như có nhà sư ở Tứ Kỳ đã nhận các trẻ sơ sinh bỏ rơi ở cổng chùa về nuôi dưỡng. Hay các tổ chức và cá nhân quyên góp giúp cháu học sinh ở Bình Giang không phải bỏ học trong hoàn cảnh mất người thân, không còn nguồn thu nhập nào khác…

Đề tài “người tốt việc tốt” mà Bác Hồ đã nêu ra hơn nửa thế kỷ trước, ngày nay đang được báo chí tiếp tục thể hiện dưới hình thức phản ánh sinh động là “việc tử tế”. Thiết thực kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác, chúng ta cần cùng nhau nhân rộng những “việc tử tế”, nhân rộng những tấm lòng nhân ái hằng ngày vẫn diễn ra ở các địa phương. Đấy chính là cách thiết thực để làm theo gương Bác.

NGUYỄN HỮU PHÁCH


(0) Bình luận
Việc tử tế