Việc thể chế hóa quy chế dân chủ trong điều hành, quản lý còn dập khuôn

28/12/2022 16:38

Qua kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương xác định việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế.

Đoàn kiểm tra 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 16.7.2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra trực tiếp tại Đảng ủy xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện (ảnh tư liệu)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có Thông báo kết luận số 878-TB/TU ngày 23.12 về kết quả kiểm tra 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 16.7.2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn”.

Theo thông báo này, ngày 20.12, sau khi nghe Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 491-QĐ/TU ngày 14.6.2022 báo cáo kết quả kiểm tra 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nội dung, phương pháp chưa có nhiều đổi mới. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa QCDC trong công tác điều hành, quản lý còn dập khuôn, chung chung, chưa xuất phát từ tình hình thực tế.

Công tác tổ chức tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở một số nơi còn hạn chế. Việc trả lời ý kiến, kiến nghị của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại có việc, có lúc chưa kịp thời, nội dung trả lời chung chung. Ở một vài nơi còn tình trạng gây khó khăn, tiêu cực, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục đất đai, đầu tư, xây dựng... Công tác tiếp dân, tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số nơi còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở một số đơn vị chưa thường xuyên, còn hiện tượng lồng ghép.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 29-CT/TU trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở.

Chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Tập trung xử lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp chủ động tham mưu cấp ủy cùng cấp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thông qua việc hướng dẫn, tổ chức sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở.

MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy vai trò dân chủ đại diện; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCDC ở cơ sở. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Chủ động tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở; chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng.

MINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc thể chế hóa quy chế dân chủ trong điều hành, quản lý còn dập khuôn