Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần dựa trên ý kiến, kiến nghị của cử tri; giáo viên và học sinh trực tiếp giảng dạy, học tập...
Phóng viên:Theo Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 02 chuyên đề. Xin đại biểu cho biết quan điểm đối với 4 chuyên đề được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn để giám sát trong năm tới?
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga: Năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề. Thứ nhất là, việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chuyên đề thứ hai là, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 02 chuyên đề: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Các chuyên đề được lựa chọn để giám sát vừa có tính thời sự, đang thu hút sự quan tâm lớn của công chúng, vừa có ý nghĩa bền vững trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách, pháp luật về y tế, giáo dục, năng lượng, xây dựng nông thôn, giảm nghèo. Trong đó, tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng sẽ kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, thậm chí những bất cập cần khắc phục, điều chỉnh trong quá trình thực hiện công tác phòng chống dịch và các hoạt động y tế dự phòng tại cơ sở khác. Đây là việc làm rất cần thiết và cấp bách vì chúng ta chưa có tiền lệ về việc phòng chống bất cứ dịch bệnh nào giống như COVID-19. Tôi hy vọng, lần giám sát này sẽ giúp gỡ khó cho ngành Y tế và các địa phương trong những vấn đề bản thân ngành ít nhiều còn những lúng túng, hoang mang.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga-Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng là việc được đông đảo người dân quan tâm vì liên quan mật thiết tới các em học sinh trong cả nước. Các chương trình về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển năng lượng tuy đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng sự giám sát vẫn luôn cần thiết, nhất là sau khoảng thời gian dài chúng ta tập trung phòng chống dịch bệnh COVID-19. Việc thực hiện những chương trình này trong giai đoạn 2021-2015 và 2021-2030 chắc chắn có những điều khác biệt so với trước đây nên việc giám sát sau 2 năm thực hiện là đủ thời gian để phát hiện những vướng mắc cần điều chỉnh.
Phóng viên:Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hôi sẽ giám sát đối với chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Đại biểu quan tâm đến nội dung, công đoạn giám sát nào nhất của chuyên đề này và có ý kiến, đề xuất như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Đối với chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, tôi đặc biệt quan tâm đến hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề này. Bởi vì một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, không mâu thuẫn với nhau là chỗ dựa vững chắc để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa được suôn sẻ, hiệu quả. Việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là của đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp triển khai những điểm mới của chương trình, sách giáo khoa và của các em học sinh, những người trực tiếp học theo chương trình, sách giáo khoa mới cũng là việc làm quan trọng cần được thực hiện nghiêm túc, có hệ thống. Đây là một chuyên đề khá “nóng”, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân do lĩnh vực giáo dục ảnh hưởng tới hầu hết các gia đình trong cả nước. Chính vì vậy, sẽ có nhiều ý kiến đánh giá, nhiều đề xuất khác nhau. Tôi rất tán thành với tinh thần thể hiện trong phát biểu quán triệt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là cần giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng. Vì vậy, nên lắng nghe các ý kiến bằng “một cái đầu lạnh”, khách quan, không để bị ảnh hưởng bởi các định kiến và những ý kiến mang tính cảm tính. Chỉ khi giám sát bằng tinh thần xây dựng, chỉ ra những cái còn bất cập cũng với tinh thần xây dựng thì chúng ta mới có thể đề xuất được những giải pháp khả thi và hiệu quả.
Phóng viên:Để việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thực sự hiệu quả, theo đại biểu, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thực hiện giám sát như thế nào để kết quả giám sát thực sự có chuyển biến đối với công tác biên soạn, thẩm định, sử dụng sách giáo khoa và đối với hoạt động giảng dạy, học tập?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” nêu rõ: Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 27 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan; xây dựng kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành. Theo tôi, Đoàn Giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng những quy định đó là sẽ bảo đảm được công tác giám sát hiệu quả, đánh giá được tình hình chung trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Còn để kết quả giám sát đi vào thực tiễn thì sau khi có những kết luận, đề xuất, cần tiếp tục có các hoạt động giám sát việc thực hiện kết quả giám sát.
Phóng viên:Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội