Mới đây, Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can.
Ban Chỉ đạo đề án họp phiên thứ nhất ngày 28.7.2021
Cuối tháng 7.2021, Bộ Công an đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can. Ban Chỉ đạo gồm 17 thành viên, do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can sẽ giúp nâng cao hoạt động của cơ quan tố tụng hình sự, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Do đó, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp, trao đổi, thực hiện nghiêm quy chế của Ban Chỉ đạo, giảm thủ tục hành chính, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành từng phần việc, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác được giao. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các kế hoạch, lộ trình triển khai, trên nguyên tắc nghiêm túc, bảo đảm tiến độ và chất lượng cao nhất của Đề án.
Yêu cầu đặt ra là cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can phải mang tính hiện đại, bảo mật cao, tránh lãng phí; trong đó, tận dụng, tối ưu hóa trang thiết bị, máy móc hiện có của lực lượng công an nhân dân và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1172/QĐ-TTg ngày 11.9.2019 về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận: Trong những năm qua, cùng với tiến trình cải cách tư pháp, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta đã có nhiều tiến bộ. Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và các văn bản có liên quan đã quy định tương đối chặt chẽ quy trình hỏi cung bị can và bảo đảm quyền của bị can theo quy định của pháp luật. Việc tập huấn chuyên sâu, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ điều tra đã được thực hiện thường xuyên, nâng cao trình độ chuyên môn trong hoạt động hỏi cung bị can.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên
Thực tế, hoạt động ghi âm, ghi hình đã được thực hiện trước khi có quy định tại Bộ luật Tố tụng năm 2015 trong một số vụ án tội phạm có tổ chức, có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy vậy, quy định này chưa được luật hóa, mới dùng lại ở việc củng cố chứng cứ. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý trong đấu tranh phòng chống các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, dùng bức cung, nhục hình của người thi hành công vụ thì việc quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ trong hỏi cung bị can, đặc biệt là việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can là hết sức cần thiết.Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn còn xảy ra các trường hợp bức cung, nhục hình trong hoạt động tư pháp, bên cạnh đó thực tiễn cho thấy nhiều vụ án tại Tòa, bị cáo thay đổi lời khai vì lý do bị bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung hoặc chối tội, thay đổi lời khai dẫn đến khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Luật sư Trần Hoàng Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, đây là quá trình thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác này. Cụ thể là Nghị quyết 48-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2010 về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra, nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người…
Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 đã ghi nhận nhiều quyền của con người, quyền công dân như được bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, không bị tra tấn, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phẩm danh dự, nhân phẩm. Trách nhiệm của Nhà nước là ban hành pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người và công dân thực hiện tốt các quyền của mình.
Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tại Điều 183 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Điều 442, Bộ luật Tố tụng hình sự 2005 cũng quy định: “Việc lấy lời khai của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”.
Theo VGP