Việc cưới, việc tang tiết kiệm ở Tuấn Hưng

05/01/2013 07:32

Từ nhiều năm nay, phong trào tiết kiệm trong việc cưới, việc tang tiếp tục được xã Tuấn Hưng (Kim Thành) duy trì và trở thành một nếp sống văn hóa của người dân nơi đây.



Đa số các tiệc cưới ở Tuấn Hưng được tổ chức trang trọng, an toàn và tiết kiệm (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Ban Chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa xã đã tham mưu và thảo ra quy chế tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống mới. Trước khi ban hành quy chế, xã lấy ý kiến bổ sung cho phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Thông qua các kỳ họp của HĐND, quy chế tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào thi hành. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế trong thời gian đầu gặp nhiều khó khăn. Người dân ủng hộ phong trào tiết kiệm nhưng vẫn còn nhiều nghi thức, hủ tục chưa thể xóa bỏ như bắc cầu, lăn đường, gọi hồn trong tang lễ hoặc tổ chức tiệc cưới linh đình. Xã đã tăng cường tuyên truyền trên Đài Truyền thanh, trong các cuộc họp đoàn thể và trực tiếp vận động, nhắc nhở những gia đình chưa thực hiện đúng quy chế. Các cặp vợ chồng khi đến đăng ký kết hôn cũng được phổ biến, vận động và ký cam kết thực hiện quy chế tiết kiệm khi tổ chức lễ cưới. Cán bộ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể gương mẫu thực hiện, nhân dân nhất trí hưởng ứng nên dần dần các đám tang, lễ cưới được tổ chức đơn giản, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm tiền cho nhiều gia đình.

Với tiêu chí “trang trọng, an toàn, tiết kiệm”, mỗi tiệc cưới ở xã Tuấn Hưng chỉ tổ chức trung bình hơn 40 mâm cỗ, chi phí 400 - 500 nghìn đồng/mâm. Nhiều gia đình không chỉ chấp hành đúng quy chế về thời gian mở nhạc (không quá 10 giờ đêm và sau 5 giờ sáng), mà còn hạn chế số lượng loa đài và thời lượng mở nhạc ban ngày để tiết kiệm điện. Các gia đình tự nấu ăn, không đặt thức ăn sẵn ở nhà hàng để tiết kiệm tiền và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Số lượng khách mời cũng được xem xét và giới hạn cho phù hợp. Sử dụng hoa cưới và hoa đặt tại bàn tiếp khách với số lượng vừa phải, tránh lãng phí. Ông Phạm Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã phát động phong trào tiết kiệm, đồng thời tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, hướng tới tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội không còn thuốc lá. Trước đây, mỗi tiệc cưới dùng 15-20 cây thuốc lá mời khách nhưng nay giảm còn 5-7 cây, vừa tiết kiệm tiền cho nhiều gia đình vừa góp phần bảo đảm sức khỏe của người dân”. Đối với việc tang, xã quy định dùng băng, đĩa để phát nhạc và kèn thay vì thuê người thổi kèn. Chi phí cho đội thổi kèn trước đây từ 2-3 triệu đồng, nay phát nhạc bằng máy nên gia đình chỉ tốn 350 nghìn đồng. Mỗi công dân qua đời, xã chỉ viếng 1 vòng hoa, trừ trường hợp là đảng viên hoặc gia đình chính sách thì có thêm 1 vòng hoa của Ban Chấp hành Đảng bộ hoặc HĐND. Thực hiện như vậy, trung bình một lễ cưới, đám tang có thể tiết kiệm được 4-5 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Nhiệm, cán bộ văn hóa xã cho biết: “Năm 2012, toàn xã có 50 đám tang và 70 lễ cưới, tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng. Đây là con số không nhỏ, góp phần cải thiện đời sống của chính những gia đình tổ chức tiệc cưới, tang lễ khi kinh tế còn nhiều khó khăn.

LÊ XUYỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc cưới, việc tang tiết kiệm ở Tuấn Hưng