[Video] Võ sư Hải Dương dùng binh khí truyền dạy võ thuật cổ truyền

12/06/2023 11:02

Thời gian qua, các võ sư dạy võ thuật cổ truyền tại Hải Dương đã đào tạo nhiều võ sinh cách sử dụng binh khí nhằm nâng cao chất lượng võ sinh để chuẩn bị điều kiện tốt nhất tham gia các giải đấu lớn.

Võ sư Nguyễn Hữu Tuân hướng dẫn võ sinh sử dụng binh khí

Tập quyền trước tập binh khí

Tại sân Trường Đại học Thành Đông vào giờ tan tầm một ngày trung tuần tháng 6, khoảng 30 võ sinh đang hăng say tập luyện. “Một, hai, ba, bốn…”, theo tiếng hô của võ sư Nguyễn Hữu Tuân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Hải Dương, Trưởng tràng phía bắc môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp, các võ sinh lần lượt chổng đẩy, nhảy cóc… để khởi động trước khi vào bài tập. Sau khi tập một số bài quyền, anh giới thiệu các loại binh khí sử dụng trong môn phái như đao, kiếm, roi, đại đao, giáo… cho các võ sinh. Võ sư hướng dẫn các võ sinh một bài múa kiếm với động tác dứt khoát, đẹp mắt, tư thế oai hùng.

Gần chục năm nay, võ sư Nguyễn Hữu Tuân truyền dạy võ thuật môn phái Tây Sơn - Ngọc Điệp cho hàng nghìn võ sinh trong và ngoài tỉnh, trong đó có khoảng 60 võ sinh có thể sử dụng các loại binh khí như roi, kiếm, đao… Anh Tuân cho biết sử dụng binh khí giúp võ sinh nâng cao hiệu quả tập luyện, nhưng để tập được binh khí, võ sinh phải tập quyền trước đó ít nhất 6 tháng cho nhuần nhuyễn thân pháp, thủ pháp. 

Cũng như võ sư Nguyễn Hữu Tuân, nhiều năm nay võ sư Lê Minh Quân (35 tuổi) truyền dạy võ thuật môn phái Thiếu lâm Phật gia quyền cho hàng nghìn võ sinh.

Sinh ra ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) nhưng lớn lên ở tỉnh Lâm Đồng, anh Quân đã học và dạy võ thuật môn phái Thiếu lâm Phật gia quyền ở tỉnh này. Đến năm 2014, anh về quê ở xã Tiền Tiến sinh sống và dạy võ học. Năm 2018, anh mới đưa binh khí vào dạy cho võ sinh. Theo anh, thời điểm này tư tưởng của nhiều người đã thoáng hơn, không còn e ngại việc binh khí có thể gây nguy hiểm cho người học. Đến nay, có khoảng 50 học trò của anh sử dụng được các loại binh khí như kiếm, đao, đại đao…

Em Phạm Thị Quỳnh Chi (sinh năm 2010) từng đoạt huy chương đồng giải võ thuật cổ truyền trẻ, thiếu niên tỉnh. Đến nay, em đã sử dụng được các loại binh khí như kiếm, đao, đại đao, côn. “Tập luyện với binh khí khó hơn tập võ tay không rất nhiều, nếu không cẩn thận dễ gặp chấn thương. Thầy Quân luôn dạy chúng em cần kiên trì tập luyện, không được đốt cháy giai đoạn mới bảo đảm an toàn và đạt được thành tích tốt nhất”, em Chi cho biết.


Võ sư Lê Minh Quân đưa binh khí vào dạy ở các lớp võ thuật cổ truyền

Tổ chức giao lưu võ thuật

Muốn tạo sân chơi cho võ sinh nâng cao thành tích, các võ sư ở Hải Dương đã phối hợp tổ chức các cuộc giao lưu võ thuật cổ truyền có sử dụng binh khí. Ban tổ chức đã đưa vào giao lưu các bài Tứ linh đao, Roi thái sơn, Song tuyết kiếm. Các tiết mục này thu hút sự cổ vũ của đông đảo võ sinh, phụ huynh và khán giả.

Võ sư Nguyễn Hữu Tuân cho biết: “Qua các cuộc giao lưu, các võ sinh có cơ hội cọ xát, nâng cao thành tích nhằm chuẩn bị sớm cho các giải đấu ở cấp cao hơn”.

Năm 2022, lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh tổ chức Liên hoan Võ thuật cổ truyền tỉnh Hải Dương mở rộng lần thứ nhất năm 2022, trong đó nhiều tiết mục sử dụng binh khí như song đao, lôi côn, độc long kiếm, hổ trảo quyền… hấp dẫn khán giả. Tuy nhiên liên hoan là dịp giao lưu giữa các phái võ, không tổ chức tranh giải. Từ trước đến nay, tỉnh Hải Dương chưa tổ chức giải võ thuật cổ truyền nào có sử dụng binh khí ở cấp tỉnh. Nhiều võ sư võ thuật cổ truyền trong tỉnh mong muốn Hải Dương quan tâm tổ chức các giải có sử dụng binh khí để võ sinh có thể rèn luyện, chuẩn bị thi đấu ở cấp quốc gia.

Xem clip

Võ sư Lý Băng Sơn, Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia Việt Nam, quê Cẩm Giàng, hiện sinh sống ở Hà Nội, từng là Phó Chủ tịch Hội Võ thuật Hà Nội, một trong những võ sư có nhiều đóng góp trong sự phát triển của võ học dân tộc, xuất bản hơn chục cuốn sách về võ học. Võ sư Lý Băng Sơn cho biết từ trước đến nay, các giải đấu cấp quốc gia đều căn cứ vào 10 bài quy định để tổ chức giải. Việc tuyển chọn các bài quyền, bài binh khí quy định nhằm xây dựng chương trình tập luyện và thi đấu thống nhất cả nước, làm nền tảng cho sự phát triển của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều đưa binh khí vào các giải võ thuật cổ truyền từ nhiều năm nay. Vì vậy, Hải Dương nên sớm đưa binh khí vào tổ chức các giải nhằm tạo sân chơi hữu ích cho võ sinh, nâng cao thành tích thể thao chung của tỉnh.

BÌNH AN

(0) Bình luận
[Video] Võ sư Hải Dương dùng binh khí truyền dạy võ thuật cổ truyền