Sáng 15.9 (20.8 âm lịch), Lễ giỗ Đức Thánh Trần - Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được tổ chức trang trọng tại khu di tích Kiếp Bạc. Đây là nghi lễ cuối cùng tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại đền Kiếp Bạc
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 tới dự.
Cùng dự có một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Giáo hội Phật giáo tỉnh; lãnh đạo TP Chí Linh cùng cán bộ, nhân dân và du khách.
Nhân dân mang nhiều vật phẩm dâng cúng Đức Thánh Trần
Từ sáng sớm, nhân dân hai làng Vạn Yên (tên tục là làng Kiếp) và Dược Sơn (tên tục là làng Bạc) đã rộn ràng trong những bộ trang phục truyền thống, đem kiệu, cờ, lọng, bát bửu, lân, rồng cùng cỗ lễ gồm lợn sống, các loại bánh đặc trưng của địa phương như bánh xu xuê, tràng gừng, bánh trong, bánh lọc, bánh mật... tế Thánh. Hai đoàn xuất phát từ hai hướng, một hướng từ đền Nam Tào, một hướng từ đền Bắc Đẩu cùng tiến vào đền Kiếp Bạc dâng lễ tế Đức Thánh Trần...
Kết thúc buổi lễ, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phát lộc cho nhân dân và du khách thập phương.
Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo sinh năm 1228 trong một gia đình thuộc tôn thất nhà Trần. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ thứ 13 của quân dân Đại Việt. Sinh thời, Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, chăm lo vun đắp mối đoàn kết dân tộc, dạy tướng sĩ phải hoà thuận, trên dưới một lòng... Đặc biệt, tư tưởng giữ nước lấy dân làm gốc của Hưng Đạo Đại vương vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.
Phát lộc cho nhân dân và du khách
Tương truyền Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại vương hóa vào ngày 20.8 năm Canh Tý (năm 1300). Trước khi hóa Thánh, người lên núi Mâm Xôi, một trong 9 ngọn núi thuộc dãy núi Trán Rồng phía sau đền Kiếp Bạc rồi để lại một chiếc giầy. Khi ngài hóa Thánh bay về trời, nhân dân hai làng Vạn Yên và Dược Sơn thương tiếc đã mang mâm xôi, con gà và 100 nén hương lên núi Mâm Xôi để thờ Thánh. Văn khấn có tên “Cửu thọ Kim tinh, Cửu Thiên Vũ đế, Trần Triều hiển Thánh, Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương”. Người dân tin rằng đây là thiên tước trời ban cho Đức Thánh, người được mệnh danh cai quản 9 tầng trời.
Không khí lễ hội
Trải qua hơn 7 thế kỷ, Hưng Đạo Đại Vương đã ngự trị trong tâm thức nhân dân như một người Cha, một vị Thánh thiêng liêng được nhân dân tôn kính.
Lễ giỗ Đức Thánh Trần được gọi là nghi thức hóa nhật - Thánh hóa Triều tiên, tiễn chân Thánh về thiên giới. Đây cũng là ngày đóng cửa đền, khép lại 10 ngày Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Xem clip
TIẾN MẠNH - THÀNH CHUNG