Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu sớm bố trí triển khai những dự án giao thông trọng điểm nằm trong vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu kết luận buổi làm việc
Chiều 7.3, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương làm việc với Sở Giao thông vận tải (GTVT) về kết quả hoạt động năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành cùng làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng khẳng định nhiệm vụ quan trọng của ngành GTVT với sự nghiệp “đi trước mở đường”. Đồng thời ghi nhận sự đoàn kết, thống nhất của tập thể Đảng ủy, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động Sở GTVT trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Video trích phát biểu kết luận buổi làm việc của đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương
Nhấn mạnh việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại rất có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu sớm bố trí triển khai những dự án giao thông trọng điểm nằm trong vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi với 3 phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt. Tuy nhiên, vận tải đường thủy nội địa, đường sắt chưa phát huy xứng tầm với tiềm năng, lợi thế. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nên có phương án để phát huy hiệu quả của vận tải đường thủy và đường sắt trong thời gian tới.
Dự án nút giao kết nối đường tỉnh 392 với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại huyện Bình Giang và nút giao kết nối đường tỉnh 390 với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại huyện Thanh Hà là 2 dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng. Khi các dự án hoàn thành, cần hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ để kết nối các nút giao với trung tâm các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở GTVT làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các sở ngành, địa phương, đơn vị; vào cuộc quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, hoàn thành sớm các dự án giao thông, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các sở, ngành phối hợp, khẩn trương rà soát, đề xuất danh mục dự án, nguồn vốn, ưu tiên các dự án có tính kết nối liên tỉnh, liên vùng để tập trung đẩy nhanh triển khai.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Tùng trình bày báo cáo kết quả phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2020-2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025
Theo báo cáo của Sở GTVT, giai đoạn 2023-2025, có 4 dự án kết nối giao thông hợp tác giữa Hải Dương với các tỉnh gồm xây dựng cầu Đồng Việt kết nối với tỉnh Bắc Giang, cầu Kênh Vàng kết nối tỉnh Bắc Ninh, cầu Hải Hưng kết nối tỉnh Hưng Yên; cầu An Đồng (cầu vượt sông Luộc) kết nối với tỉnh Thái Bình.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh triển khai các dự án xây dựng và cải tạo nâng cấp các tuyến kết nối nội vùng tỉnh với các trục giao thông đối ngoại quốc gia gồm 24 dự án với tổng chiều dài 124 km.
Giai đoạn 2021-2025, giao UBND cấp huyện triển khai 21 dự án, công trình giao thông trọng điểm với chiều dài 140 km và 10 cầu vượt, quy mô tối thiểu là đường cấp III, kinh phí đầu tư khoảng hơn 17.656 tỷ đồng. Đây là những dự án kết nối quan trọng vùng huyện thực hiện theo cơ chế điều tiết 100% nguồn thu từ tiền sử dụng đất. Đến nay, các địa phương đã khởi công 3/21 công trình, hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư 8/21 dự án; còn lại đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Tổng nhu cầu vốn huy động để hoàn thành giai đoạn 2021-2025 theo danh mục các dự án được HĐND tỉnh thông qua trong kế hoạch đầu tư công và được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư là 29.468 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp 279 km đường bộ quy mô cấp II, cấp III đồng bằng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh phân cấp ủy quyền cho sở được thực hiện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, xử lý "điểm đen" theo danh mục UBND tỉnh phê duyệt và dự toán chi phí UBND tỉnh giao hằng năm. Có giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách về việc lựa chọn nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường thủy nội địa; quan tâm bố trí bổ sung nguồn kinh phí bảo trì sửa chữa đường bộ năm 2023 tương đương với kinh phí phát sinh do sửa chữa đột xuất…
HÀ NGA - THÀNH CHUNG