[Video] Nức tiếng bánh gai Bà Thanh Tới

07/04/2023 10:33

Đầu tháng 4, chúng tôi có dịp về thị trấn Ninh Giang (Hải Dương) để tìm hiểu vì sao cơ sở bánh gai Bà Thanh Tới lúc nào cũng nhộn nhịp người bán người mua.

Cụ Bùi Thị Tới (bên trái) và cháu nội Nguyễn Văn Dương

Nhắc đến mảnh đất Ninh Giang nổi tiếng và tự hào bởi đặc sản bánh gai, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bánh gai của bà Tới. 

Đặc sản gia truyền

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, cụ Bùi Thị Tới (sinh năm 1927) đã bắt đầu làm vài chục chiếc bánh gai mang đến chợ huyện Ninh Giang bán cho các thương lái đi tàu thuyền. Sau này, cụ Tới truyền nghề cho những người con trai, con gái, con dâu trong gia đình.

Bà Lê Thị Hợp (con dâu cụ Tới) bắt đầu sự nghiệp gắn liền với chiếc bánh gai từ năm 1987, chỉ có hai vợ chồng làm tất cả các khâu. Bà Hợp kể khi đó chưa có máy móc hiện đại, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công.


Công nhân cơ sở bánh gai Bà Thanh Tới làm bánh gai

 “Tiếp nối truyền thống gia đình, ban đầu chúng tôi chỉ làm mấy chục cái một ngày, khi nào bận quá tôi dạy các con của mình làm từng công đoạn cũng là truyền tình yêu nghề cho các con, dần dần nhu cầu thị trường tăng lên rồi đặc biệt phát triển mạnh mẽ khoảng 15 năm nay”, bà Hợp cho biết.

Sau này, bà Hợp quyết định lấy tên bánh gai Bà Thanh Tới (được ghép từ tên Thanh là chồng bà Tới) để phân biệt với các loại bánh gai khác trên thị trường. Bánh gai Bà Thanh Tới đã trở thành một trong những thương hiệu đầu tiên của làng nghề bánh gai thị trấn Ninh Giang. Hiện gia đình bà có 3 cơ sở tại thị trấn Ninh Giang do các con của bà Hợp quản lý.

Anh Nguyễn Văn Dương (con trai bà Hợp) là đời thứ ba kế nghiệp làm bánh gai của gia đình, hiện là chủ cơ sở bánh gai Bà Thanh Tới tại 79 đền Tranh, thị trấn Ninh Giang. Anh Dương đã có gần 30 năm gắn bó với công việc này. Từ khi lên 7 tuổi, anh đã phụ mẹ chọn lá, nặn bánh.

Anh Dương giới thiệu chiếc bánh gai có hương vị, bản sắc riêng nên muốn bánh ngon yếu tố tiên quyết là nguyên liệu phải ngon, sạch, đạt chất lượng. Nếu nguyên liệu không tốt thì dù người thợ có tài hoa đến mấy cũng không làm được chiếc bánh gai ngon. Vì thế, cần chú trọng từ khâu nhỏ nhất là chọn nguyên liệu, chế biến đến màu sắc và cách gói bánh.


 Những chiếc bánh gai, bánh gấc nóng hổi vừa ra lò

Gạo làm bánh phải là nếp cái hoa vàng được nhập từ Thái Bình, Hải Phòng từ mối thân quen, hạt nào hạt nấy trắng tròn. Gạo nếp khi đem xay thành bột thì rất trắng và mịn. Nhân của bánh gai được làm từ đậu xanh hấp chính, cùi dừa già, mỡ lợn chín ướp đường trong nhiều ngày. Mứt bí, mứt sen trộn đều cùng tất cả những nguyên liệu trên trong 1 tiếng đồng hồ. Ngày nay, các công đoạn làm bánh đều nhẹ nhàng hơn nhờ có sự hỗ trợ của máy móc.

Sau khi nặn thành hình thêm nhân bên trong, bánh gai được gói bằng lá chuối khô để mang lại hương thơm tự nhiên. “Mỗi chiếc bánh ngon được làm ra đòi hỏi sự tinh tế, cẩn thận trong từng công đoạn, kinh nghiệm và bí quyết gia truyền của người làm nghề. Ngày nay, người dân Ninh Giang còn sáng tạo thêm bánh gấc. Gạo nếp sau khi sơ chế được trộn với gấc tạo nên màu sắc đẹp mắt, mùi vị khác lạ khó quên”, anh Dương cho hay.


 Anh Nguyễn Văn Dương sử dụng máy hút chân không giúp bánh gai thơm ngon, giữ được lâu hơn

Đắt khách

Hiện nay, 3 cơ sở bánh gai Bà Thanh Tới đã trở thành một thương hiệu bánh gai nổi tiếng ở Ninh Giang. Mỗi ngày, các cơ sở bán được 2 vạn chiếc bánh gai với giá dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/chiếc. Trong đó, có khoảng 1 vạn chiếc được giao cho các đại lý cộng tác trong và ngoài huyện để bán sản phẩm giữ nguyên tem mác sản phẩm.

Đây là lần thứ 3 chị Phạm Thị Mai ở phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) về Ninh Giang tham quan đền Quan Lớn Tuần Tranh. Mỗi lần về, chị Mai thường mua 50 chiếc bánh gai Bà Thanh Tới để làm quà.

Sau khi được chủ cơ sở trực tiếp hút chân không số bánh gai trước khi mang về nhà, chị Mai vui vẻ nói: “Lần đầu tôi mang bánh gai cho người thân thưởng thức thức đặc sản vùng quê Ninh Giang, ai cũng thích lắm nên lần nào về cũng mua làm quà. Giờ lại có máy hút chân không giúp bánh gai được kín hơi, bảo đảm chất lượng nên tôi càng an tâm”.


Mỗi ngày, cơ sở bánh gai Bà Thanh Tới bán được khoảng 2 vạn chiếc

Còn anh Nguyễn Trọng Thuấn ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) kinh doanh nhà hàng cho biết: “Tôi thường xuyên đặt mua bánh gai Bà Thanh Tới cho thực khách đến thưởng thức tráng miệng và làm quà biếu. Mỗi ngày, tôi cũng bán được vài trăm chiếc bánh gai, khi ăn ai cũng tấm tắc khen ngon thứ đặc sản quê hương Ninh Giang này”.

Tiếp đà phát triển, cơ sở bánh gai của gia đình anh Dương đã giúp người dân địa phương có công việc ổn định, tạo việc làm cho nhiều người lao động ở các xã, vùng lân cận lúc nông nhàn. Hiện cả 3 cơ sở bánh gai Bà Thanh Tới có 30 công nhân, những ngày lễ, Tết lượng bánh tiêu thụ lớn phải thuê thêm 10 công nhân nữa mới kịp giao bánh cho khách.

Định hướng sản xuất thời gian tới, đại diện cơ sở sản xuất bánh gai Bà Thanh Tới cho biết gia đình đang hoàn thiện các hoàn thiện các thủ tục tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). “Thời gian tới, sản phẩm bánh gai của gia đình đạt chứng nhận OCOP 4 sao sẽ giúp nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường không chỉ trong nước mà phát triển đi xa hơn nữa tại các thị trường nước ngoài”, anh Dương tin tưởng.

Trải qua thời gian với bao đổi thay của cuộc sống, gia đình anh Dương vẫn giữ được nghề truyền thống làm bánh gai - món ăn dân dã, mang đậm hương vị quê hương. Nếu có dịp ghé qua mảnh đất Ninh Giang, ghé thăm đền Quan Lớn Tuần Tranh, bạn nên tới thăm nghề làm bánh gai ở đây để tìm hiểu, thưởng thức cảm nhận thứ đặc sản của vùng đất Ninh Giang.

Xem clip

NHƯ THÀNH

(0) Bình luận
[Video] Nức tiếng bánh gai Bà Thanh Tới