Chỉ còn hơn chục ngày nữa cầu Quang Thanh sẽ khánh thành. Đây là sự kiện được người dân khu Hà Đông (Thanh Hà) mong chờ từ nhiều đời nay.
Cầu Quang Thanh hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu Hà Đông nói riêng, huyện Thanh Hà nói chung phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới
Sẽ nhớ mãi bến phà
Nhìn những chuyến phà đang sang sông, chị Lê Thị Hường - chủ một quán nước ở đây cảm thấy bâng khuâng. Bởi vì chỉ ít ngày nữa thôi, cảnh khách sang sông ồn ào, tấp nập sẽ không còn nữa. Bến phà sẽ đi vào dĩ vãng. Mới đó đã gần 30 năm, chị còn nhớ rõ ngày 10.8.1992, gia đình chị chuyển ra cạnh bến phà làm ăn, khi ấy chị Hường đang mang bầu đứa con lớn. Lúc ấy còn khó khăn, gia đình chị chỉ làm một lán tôn ở tạm rồi bán nước chè. Đến nay chị đã có 3 cháu ngoại, quán nước cũng bán nhiều thứ hơn. Mùa nào thức ấy, chị gom nhiều hàng quê ra bến phà bán cho hành khách để kiếm sống.
Nuối tiếc là vậy nhưng chị Hường và người dân khu Hà Đông đều mong muốn có cây cầu từ lâu. Giờ đây họ đang đếm ngược từng ngày để đón giờ phút cây cầu khánh thành, nối liền đôi bờ. "Dù chưa biết sẽ chuyển sang làm việc gì khi bến phà dừng hoạt động nhưng tôi luôn tin cây cầu sẽ giúp chúng tôi có hướng đi mới, cuộc sống sau này sẽ ổn định hơn", chị Hường nói.
Anh Nguyễn Văn Thắng cũng sẽ không bao giờ quên những năm tháng gắn bó với bến phà. Ban ngày bến phà thường đông khách qua lại nhưng ban đêm chủ yếu là thương lái trong huyện đi chợ Tràng Duệ (Hải Phòng). Trong lúc chờ phà, họ thường ghé lại quán nước của anh, hút vội điếu thuốc, chuyện trò dăm ba câu. Anh Thắng chia sẻ: "Tuy chỉ ở bến phà này thôi nhưng thông tin ở đâu cũng biết hết. Mọi người qua lại, nói chuyện rôm rả, vui lắm. Ai đi bán hàng lãi hay lỗ khi về là tôi biết ngay".
Từ khi bến phà Quang Thanh thành lập (năm 1992) đến nay có gần chục hộ chuyển ra cạnh bến sinh sống, làm ăn. Cách đây khoảng chục năm, bến phà bắt đầu tấp nập, nhiều người dân huyện Tứ Kỳ cũng đi sang Hải Phòng qua lối này. Mặc dù bến phà đã được sửa chữa, cải tạo nhiều lần nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương. Việc kinh doanh buôn bán của người dân khu Hà Đông gặp nhiều khó khăn.
Mong ước thành hiện thực
Sau gần 1 năm thi công, ngày 15.4 vừa qua, cầu Quang Thanh đã hợp long nối đôi bờ Thanh Hà (Hải Dương) và An Lão (Hải Phòng).
Cây cầu đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi hoàn thành. Mỗi lần đi chợ về ông Nguyễn Văn Giáp ở thôn Nhan Bầu, xã Thanh Hồng (Thanh Hà) lại đứng ngắm nhìn cây cầu. "Hơn 30 năm rồi, gia đình tôi làm nghề buôn hoa quả sang bán ở chợ Tràng Duệ. Trước đây đi xe đạp, rồi xe máy. Vợ chồng tôi thường phải đi chợ từ lúc 1 giờ đêm đến 8 giờ sáng mới về. Những hôm nào nhỡ phà thì chờ rất lâu nên bao giờ cũng phải đi sớm. Nay có cầu, gia đình tôi đã đặt mua chiếc xe ô tô tải nhỏ để thuận tiện cho việc buôn bán", ông Giáp nói.
Nếu đi phà, phải mất khoảng 30 phút mới sang được bờ bên kia, nhưng có cầu người dân khu Hà Đông chỉ đi từ 10-15 phút là đến chợ hoặc khu công nghiệp Tràng Duệ. Ở khu Hà Đông có hàng nghìn lao động làm việc ở khu công nghiệp này nên đây là niềm hạnh phúc lớn đối với họ. Chị Phạm Thị Huê ở xã Thanh Quang làm công nhân ở khu công nghiệp Tràng Duệ phấn khởi: "Tới đây chúng tôi không phải dậy sớm đi đò phà nữa rồi".
Niềm vui không chỉ đến với những người trẻ mà đối với người cao tuổi thì đó còn là ước mơ gần như đã cả một đời sắp thành hiện thực. Cụ Bùi Quang Hiến ở xã Thanh Cường năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn nhớ lại quãng thời trai trẻ thường xuyên phải đi Hải Phòng làm việc bằng con đò nhỏ rồi chuyển sang phà. Họ khao khát một ngày đất nước đổi mới, phát triển sẽ có cây cầu bắc qua sông cho người dân đỡ khổ. Vì theo vị trí địa lý, người dân khu Hà Đông làm ăn ở khu vực An Lão (Hải Phòng) còn gần và thuận hơn lên TP Hải Dương hoặc các huyện khác. Chỉ vì ngăn sông, cách đò mà họ vất vả bao năm nay. Cụ không thể ngờ đến cuối đời còn được chứng kiến niềm vui lớn như vậy.
Ông Lê Quý Sự, Chủ tịch UBND xã Thanh Cường cho biết cây cầu sẽ góp phần đổi mới diện mạo các xã khu Hà Đông. Từ nay việc đi lại, buôn bán giữa khu đảo Hà Đông và TP Hải Phòng sẽ thuận lợi hơn. Cây cầu khánh thành đúng dịp thu hoạch vải thiều nên sẽ tạo điều kiện thu hút du khách Hải Phòng đến tham quan vùng vải. "Năm nay chắc chắn vải sẽ được tiêu thụ thuận lợi hơn nhờ cây cầu này", ông Sự khẳng định.
Cầu Quang Thanh sẽ giúp khu Hà Đông và huyện Thanh Hà mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng về giao thông, phát triển kinh tế, xã hội. Khu đảo Hà Đông giờ đây sẽ không còn là ngõ cụt mà là nơi thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.
Cầu Quang Thanh được khởi công từ trung tuần tháng 5.2020, đến ngày 15.4.2021 hợp long, dự kiến hoàn thành trước ngày 13.5. Sau khi hợp long, các đơn vị tiếp tục thi công tường chắn đường dẫn, đường gom hai bên, tiến tới hoàn thiện mặt cầu, điện chiếu sáng và tổ chức bảo đảm an toàn giao thông. Cây cầu qua sông Văn Úc nối liền huyện Thanh Hà với huyện An Lão, dài 536 m, rộng 12 m, tổng kinh phí đầu tư 398,6 tỷ đồng do TP Hải Phòng đầu tư xây dựng. Để khớp nối đồng bộ với cây cầu, tỉnh Hải Dương đang tích cực hoàn thiện đường dẫn ra cầu với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. |
Xem clip
THIÊN DI