Nhiều công trình trọng điểm trong tỉnh Hải Dương đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư.
Đồng chí Trần Văn Hảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương đề nghị lập các trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở các địa phương
Tạo nguồn thực hiện dự án gặp khó
Trong phiên thảo luận tổ tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII, nhiều đại biểu cho biết việc thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh và các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc bố trí kinh phí.
Đồng chí Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Dương cho rằng hiện hầu hết các dự án, công trình trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ. “Trong tỉnh mới có 4 trong tổng số 21 công trình, dự án khởi công. Các dự án cơ bản đều mắc về dự án tạo nguồn. Tỉnh cần chỉ đạo sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, nếu không lựa chọn cái nào làm trước, cái nào làm sau sẽ không kịp tiến độ”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Dương đề nghị.
Cùng chung băn khoăn với Giám đốc Sở Giao thông vận tải, đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc thông tin việc đấu giá đất hiện nay rất khó khăn nên việc tạo nguồn thực hiện các dự án, công trình trọng điểm cũng khó theo. Việc bố trí nguồn để xây dựng trụ sở công an cấp xã gặp khó khăn. “Để tháo gỡ việc này, đề nghị tỉnh cần nghiên cứu, xem xét xử lý các khu vực đất cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn hiện không còn sử dụng để khai thác, tạo nguồn lực đầu tư phát triển”, đồng chí Đặng Xuân Thưởng nêu ý kiến.
Theo đồng chí Trịnh Văn Thiện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà, cùng với kịp thời ban hành phương án tính giá đất, tỉnh cần xem xét tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất để tạo động lực cho cơ sở và tạo nguồn lực đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản ở cấp xã.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Kim Thành Lê Anh Dũng cũng đề nghị tỉnh cần rà soát đánh giá, có lộ trình, phân kỳ đầu tư các công trình trọng điểm, nhất là các công trình kết nối và sớm quyết định danh mục tạo nguồn.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng bày tỏ nhất trí với 17 nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong thời gian tới của tỉnh và đề nghị tập trung rà soát các nhiệm vụ đã và đang triển khai thực hiện, xem có khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.
Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho rằng để góp phần duy trì đà tăng trưởng 9%, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. “Đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Công thương có báo cáo hằng tháng về việc phát triển các khu, cụm công nghiệp; các địa phương cũng cần đẩy mạnh tiến độ quy hoạch phân khu. Việc đẩy nhanh tiến độ các công việc cần tập trung vào đội ngũ cán bộ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc khi triển khai các công trình, dự án”, đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương nêu ý kiến.
Video trích phát biểu thảo luận tổ của đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương
Theo đồng chí Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương, những tháng đầu năm 2023, tình hình lao động cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nguồn lao động giá rẻ của tỉnh đang suy giảm. “Tỉnh cần điều chỉnh tỷ lệ lao động đào tạo cho phù hợp với khu vực đồng bằng sông Hồng và đáp ứng yêu cầu thực tế”, đồng chí Bùi Thanh Tùng kiến nghị.
Tham gia thảo luận tại các tổ, các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế, nguyên nhân chủ quan của những hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ các HTX hoạt động hiệu quả hơn như: Lập các trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở các địa phương; giải thể dứt điểm HTX hoạt động yếu kém; tăng cường vai trò của Liên minh HTX; hỗ trợ các HTX chuyển đổi số…
PV
>>> Sáng nay 6.4, khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII
>>> Hải Dương duy trì vị trí thứ 14 cả nước về chuyển đổi số
>>> Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể ở Hải Dương còn chậm