Thời gian gần đây, tình trạng thả những cánh diều to gần đường dây điện không chỉ gây ra hàng loạt sự cố điện, ảnh hưởng đến sản xuất, thiệt hại về tính mạng mà còn gây tiếng ồn, bức xúc cho người dân.
Công nhân kỹ thuật Điện lực TP Hải Dương khắc phục sự cố mất điện do người dân thả diều gây ra
Hậu quả khôn lường
Chiều 8.6, cháu V.H.H., 6 tuổi, ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) đi thả diều. Khi diều đang lên cao thì dây đứt và mắc vào đường điện cao thế cạnh nhà. Trong lúc tìm cách lấy chiếc diều xuống, cháu H. bị điện giật bỏng nặng. Đến nay sau 3lần phẫu thuật, cháu phải cắt bỏ 2/3 cánh tay phải, tháo bỏ ngón chân út của bàn chân trái, sức khỏe rất yếu. Anh V.H., bố cháu V.H.H. nghẹn ngào nói: “Chỉ vì phút bất cẩn trong lúc thả diều mà con trai tôi phải cắt bỏ nhiều bộ phận trên cơ thể. Tương lai của cháu sau này không biết sẽ ra sao. Vợ chồng tôi đau lòng và xót xa vô cùng”.
Trước đó, vào chiều tối 11.4, một người dân thả diều mắc vào đường dây cao thế 35 kV lộ 374E8.13 thuộc địa phận xã Thanh Thuỷ (Thanh Hà) làm hơn 26.000 hộ dân mất điện. Phải mất 2 giờ khắc phục, Điện lực Thanh Hà mới cấp điện trở lại được cho khách hàng. Đáng chú ý trong số khách hàng trên có 743 hộ sản xuất, kinh doanh, 21 doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn. Lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất may Liên hiệp (Thanh Hà) cho biết do đơn vị không có phương án dự phòng nên việc mất điện đột ngột (chủ yếu do thả diều) đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất các đơn hàng.
Bên cạnh đó, việc thả những con diều lớn còn gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến người dân. Anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Đại Đức (Kim Thành) cho biết: "Cả ngày đi làm mệt mỏi, thời tiết nắng nóng, tiếng sáo diều ngày đêm cứ kêu u u trên đầu, không sao ngủ được. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương nhắc nhở người dân không thả diều sáo gây tiếng ồn nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, gây bức xúc trong nhân dân".
Cần xử lý nghiêm
6 tháng đầu năm nay, tại huyện Tứ Kỳ xảy ra 19 sự cố điện do thả diều. Thời gian qua, huyện Tứ Kỳ đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thả diều tại những khu vực không có đường dây điện đi qua, lồng ghép tuyên truyền các quy định và mức xử phạt tại các cuộc họp giao ban chi bộ, thôn. Chính quyền địa phương giao Công an xã kiểm tra tất cả các điểm thả diều trên địa bàn, phát hiện trường hợp nào thả diều gần đường điện, có nguy cơ gây sự cố sẽ tịch thu. Các trường học cũng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh không thả diều gần đường dây điện.
Để hạn chế các sự cố điện do thả diều gây ra, thời gian qua Điện lực Kim Thành đã phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân không thả diều dưới đường điện cao thế, không để diều qua đêm. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị lập biên bản, nhắc nhở, tịch thu diều. Các trường hợp để xảy ra sự cố nghiêm trọng sẽ bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. 6 tháng đầu năm nay, công an các địa phương huyện Kim Thành đã thu giữ gần 100 chiếc diều, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 1 trường hợp, nhắc nhở 1 trường hợp...
Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ nghiêm cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện. Riêng những trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng, gây hỏa hoạn, sự cố mất điện diện rộng… sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Mới đây, UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh các điểm vi phạm mới về hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn dẫn đến mất an toàn công trình điện, gây sự cố lưới điện. Ngoài ra, tùy theo tình hình của địa phương, UBND cấp huyện có thể ban hành văn bản cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp...
Để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, các ngành liên quan, các gia đình cần nhắc nhở, nghiêm cấm con em không thả diều gần đường dây điện, trạm điện để bảo đảm an toàn, phòng tránh những rủi ro đáng tiếc.
Theo thống kê của Điện lực Hải Dương, 6 tháng đầu năm nay toàn tỉnh xảy ra gần 100 sự cố điện do thả diều, chiếm gần 70% sự cố do vi phạm hành lang lưới điện cao áp. Điều đáng nói, sự cố điện do thả diều có xu hướng năm sau tăng hơn năm trước. Sự cố điện do thả diều ngày càng tăng nhưng việc xử lý vi phạm còn rất hạn chế. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh mới xử phạt vi phạm hành chính được 7 trường hợp. Nguyên nhân do hầu hết các sự cố điện do thả diều đều xảy ra vào ban đêm (người dân buộc diều vào cọc để suốt đêm) nên rất khó xác định được chủ thể gây ra vi phạm. |
Xem clip
VY HOA