Do mức tiền phạt bằng hoặc hơn cả giá trị của phương tiện nên nhiều người vi phạm giao thông ở Hải Dương sẵn sàng bỏ lại xe, không thực hiện việc nộp phạt.
Kho chứa xe tạm giữ của Công an huyện Nam Sách có 109 phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã quá thời hạn tạm giữ nhưng chủ phương tiện, người vi phạm không đến giải quyết
Hiện nay do mức phạt một số lỗi vi phạm giao thông khá cao trong khi giá trị xe lại không lớn nên nhiều chủ xe, người vi phạm sẵn sàng bỏ luôn phương tiện và không chấp hành nộp phạt.
Bụi phủ xe
Ngày 4.4.2022, Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Cẩm Giàng) kiểm tra nồng độ cồn ông Phạm Văn Đông (ở xã Định Sơn, Cẩm Giàng) đi xe máy 34B1-495.04. Do vi phạm nồng độ cồn, ông Đông bị xử phạt 2,5 triệu đồng, phạt không có giấy phép lái xe 1,5 triệu đồng. Giải thích rằng không mang giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân nào nên ông Đông xin đến nộp phạt sau. Đã tròn 1 năm, chiếc xe trên vẫn nằm tại kho tạm giữ xe của Công an huyện Cẩm Giàng nhưng vẫn chưa có người đến nộp phạt.
Tương tự, ngày 13.4.2021, ông Đặng Văn Bạch (sinh năm 1958, trú tại xã Thái Tân, Nam Sách) bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn với mức phạt kịch khung. Do không có giấy phép lái xe nên ông Bạch bị phạt tổng cộng 7 triệu đồng. Dù được cơ quan chức năng thông báo 3 lần theo quy định nhưng ông Bạch vẫn không đến Công an huyện Nam Sách để xử lý vi phạm. Chiếc xe máy hiện vẫn nằm trong kho chứa tại trụ sở Công an huyện Nam Sách.
Tại kho chứa xe tạm giữ của Công an huyện Nam Sách có 109 xe mô tô, xe gắn máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã quá thời hạn tạm giữ mà chủ phương tiện, người vi phạm không đến giải quyết theo quy định. Công an huyện Nam Sách đang hoàn thiện các thủ tục thanh lý số phương tiện trên…
Tại Công an huyện Cẩm Giàng, phương tiện bỏ lâu đã bám đầy bụi
Hiện nay, nhiều trường hợp người vi phạm không đến hoàn thiện thủ tục xử phạt để nhận lại phương tiện khiến bãi tạm giữ phương tiện chật cứng xe vi phạm. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tưởng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an thị xã Kinh Môn) cho biết với quy định hiện nay, sau khi lập biên bản tạm giữ phương tiện từ 7 - 10 ngày thì người vi phạm phải đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền làm thủ tục xử phạt và nhận lại xe. Tuy nhiên, kho bãi giữ xe của Công an thị xã Kinh Môn hiện có 46 phương tiện bị tạm giữ hơn 6 tháng, cá biệt có xe nhiều năm nay nhưng không có chủ xe đến nhận lại.
Mức tiền phạt cao hơn giá trị phương tiện
Thực tế cho thấy khi biết được mức tiền phạt bằng hoặc hơn giá trị phương tiện thì nhiều người vi phạm không thực hiện việc nộp phạt theo quy định và bỏ lại phương tiện tại cơ quan công an. Cá biệt có trường hợp khi lực lượng cảnh sát giao thông liên hệ với người vi phạm thì nhận được câu trả lời không đến làm thủ tục nộp phạt vì mức phạt cao hơn giá trị phương tiện. Đặc biệt từ ngày 1.1.2022, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, tăng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều người vi phạm những lỗi có mức phạt cao như: nồng độ cồn, đi ngược chiều đường, lạng lách đánh võng, đua xe... sẽ bỏ xe thay vì đến chấp hành nộp phạt.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Cẩm Giàng) kiểm kê phương tiện vi phạm bị bỏ lại
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay quy trình để xử lý các loại xe này thường kéo dài khoảng một tháng để ra quyết định tịch thu, rồi phải mất vài tháng, thậm chí lâu hơn mới có thể thanh lý. Các trường hợp cần điều tra, xác minh sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa, sau đó mới làm thủ tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau thời gian đó, các phương tiện (phần lớn không có giá trị cao) lại càng hư hỏng...
Vấn đề xe vi phạm giao thông "chất đống" cần có giải pháp xử lý để tránh lãng phí. Ví dụ có thể thay hình thức giữ xe bằng hình thức xử phạt khác.
Xem clip
NHƯ THÀNH