Đang là cao điểm mùa mưa bão, nhưng nhiều bến bãi trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động tấp nập, chất tải cao, một số công trình vi phạm ngoài bãi sông vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, đe dọa an toàn công trình đê điều.
Tàu thuyền và ô tô tải hoạt động tấp nập trong mùa mưa bão tại khu vực cảng Phú Thái (Kim Thành)
Mặc dù đang là cao điểm mùa mưa bão, nhưng nhiều bến bãi trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động tấp nập, chất tải cao, một số công trình vi phạm ngoài bãi sông vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, đe dọa an toàn công trình đê điều.
Lấn chiếm
Khu vực ngoài bãi sông đê tả sông Luộc, đoạn qua địa bàn thị trấn Ninh Giang có 3 bãi chứa vật liệu xây dựng vẫn ngang nhiên hoạt động dù chưa được cấp phép. Ngay trong mùa mưa bão, các bãi này vẫn hoạt động nhộn nhịp với hàng nghìn m3 cát được tập kết. Các xe có trọng tải lớn liên tục chạy cắt qua đê chở vật liệu xây dựng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn của tuyến đê. Không chỉ nhiều bến bãi vi phạm mà đoạn đê này còn có nhiều công trình vi phạm nhất tỉnh. Vi phạm lớn nhất ở đây là công trình khu thờ tự của gia đình ông Mai Văn Được ở khu 2, thị trấn Ninh Giang. Khu thờ tự rộng khoảng 250 m2 được xây dựng kiên cố, lấn chiếm dòng chảy sông Luộc. Mặc dù Hạt Quản lý đê huyện Ninh Giang và chính quyền địa phương cùng nhiều đơn vị liên quan đã tích cực vào cuộc để xử lý vi phạm nhưng công trình vẫn tồn tại từ giữa năm2019 đến nay.
Cuối tháng 6, UBND huyện Kim Thành đã có văn bản thông báo gửi đến chủ tất cả các bến bãi trên địa bàn huyện yêu cầu dừng khai thác đất cát và giải tỏa bến bãi chứa vật liệu, vật cản lũ trên bãi sông trong mùa mưa lũ nhưng rất ít chủ bến bãi chấp hành. Bất chấp lệnh cấm, các bến bãi vẫn hoạt động. Tại cảng Phú Thái, các xe trọng tải lớn nối đuôi nhau qua lại khu vực này để chở than. Trong cảng, các bãi than cao hơn chục mét chạy dọc bãi đê hữu sông Kinh Môn. Phía bên kia sông, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Tàu thuyền và các phương tiện vận tải lớn liên tục ra vào các bến bãi. Không chỉ chất tải than cao mà trên bãi sông còn hàng trăm loại máy móc, thiết bị khác chuyên nghiền và sơ chế than.
Ông Nguyễn Văn Đức, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Kim Thành cho biết: "Dù huyện và lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các bến bãi tạm dừng hoạt động, giảm chất tải trong mùa mưa bão nhưng rất ít chủ bến bãi thực hiện. Các bến bãi vi phạm chất tải cao chủ yếu tập trung ở khu vực cảng Phú Thái và cầu Mây. Các bến bãi lấn chiếm ra sát mép sông, khi có lũ bất ngờ rất dễ xảy ra sự cố đê điều, nhất là các đoạn đê xung yếu chưa được xử lý".
Các bến bãi chứa vật liệu xây dựng ở thị trấn Ninh Giang chất tải cao
Cần cẩn trọng
Thời gian qua, hoạt động của các bến bãi ven sông trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, vi phạm Luật Đê điều, tác động tiêu cực đến hệ thống đê, cản trở dòng chảy vào mùa mưa lũ. Toàn tỉnh hiện có 336 bến bãi, trong đó có 295 bến bãi đang hoạt động, 44 công trình xây dựng vi phạm ngoài bãi sông, chủ yếu là làm nhà lán trong hành lang bảo vệ đê.
Ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: "So với những năm trước đây, các hoạt động liên quan đến đê điều đã được siết chặt, số lượng bến bãi, công trình vi phạm giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, ở một số khu vực vẫn có hoạt động chất tải cao như các bến bãi trên địa bàn thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Ninh Giang. Nếu trong trường hợp có mưa bão xảy ra, lũ các sông lên nhanh trong khi phạm vi thoát lũ bị lấn chiếm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các tuyến đê".
Tỉnh Hải Dương có mật độ sông dày đặc, bao gồm hệ thống sông lớn như Thái Bình, Luộc. Hệ thống công trình đê điều của tỉnh lớn với 19 tuyến đê có tổng chiều dài 373,2km, trong đó 255,9 km đê cấp III trở lên và 117,3 km đê dưới cấp III. Có nhiều công trình đê điều chưa được thử thách qua lũ nên chứa nhiều ẩn họa khó lường. Thực tế, Hải Dương đã từng xảy ra sự cố vỡ đê Nhất Trai (năm 1971), vỡ đê tả sông Thái Bình ở huyện Thanh Hà (năm 1996) gây thiệt hại lớn về tài sản và hoa màu của người dân.
Những năm gần đây, do điều tiết lũ của các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà nên các sông trong tỉnh không xuất hiện lũ lớn. Nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên có những năm xuất hiện mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn, các hồ thủy điện đã thực hiện quy trình vận hành liên hồ, mực nước lũ các tuyến sông trên địa bàn tỉnh tăng, giảm không theo quy luật. Trong khi đó, nhiều đoạn đê có nền địa chất kém dễ xảy ra sự cố sạt trượt. Theo đánh giá, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ bảo đảm ở mức thấp, nếu xảy ra mưa lớn thì nguy cơ cao xảy ra úng ngập và sự cố hư hỏng công trình. Để bảo vệ an toàn của các tuyến đê, tỉnh nên siết chặt hơn nữa hoạt động của các bến bãi, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm, bảo đảm hành lang thoát lũ được thông thoáng.
Xem clip
TRẦN HIỀN