[Video] Kỳ công trồng nấm đông trùng hạ thảo

18/07/2022 12:39

Bằng đam mê và sự nỗ lực, anh Ngô Quang Hải ở khu dân cư Miễu Sơn, phường Thái Học (Chí Linh) đã từ bỏ công việc nhiều người mơ ước để trở về quê hương trồng nấm đông trùng hạ thảo - loại nấm quý hiếm khó trồng. 


Anh Hải kiểm tra chất lượng nấm đông trùng hạ thảo

Từ một kĩ sư điện hóa tự động, bằng sự chuyên tâm học hỏi và đam mê nghiên cứu, anh Ngô Quang Hải (sinh năm 1983) ở khu dân cư Miễu Sơn, phường Thái Học (Chí Linh) đã rẽ ngang sang trồng nấm đông trùng hạ thảo, một loại dược liệu quý, có giá trị cao và bước đầu gặt hái được thành công.

Thất bại... 

Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà xưởng rộng hơn 600 m2 với đầy đủ các phòng chức năng để trồng nấm đông trùng hạ thảo, để có "quả ngọt" như hôm nay, anh Ngô Quang Hải đã trải qua bao vất vả, khó khăn và cũng không ít lần thất bại. Thế rồi bằng niềm đam mê dành cho nấm đông trùng hạ thảo, anh Hải đã tìm ra được hướng đi tới thành công.

Năm 2005 sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải Hải Phòng, anh Hải nhanh chóng tìm được công việc với thu nhập tốt tại Công ty TNHH Cannon Việt Nam. Sau đó anh chuyển sang làm Trưởng phòng tại Công ty CP UIL Việt Nam (đều ở Bắc Ninh). Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của công ty nước ngoài, lại được đi nhiều nước học tập kinh nghiệm, anh Hải luôn ấp ủ mơ ước được áp dụng kỹ thuật, cách quản lý doanh nghiệp để xây dựng công ty của riêng mình.

Dù là dân kỹ thuật nhưng anh Hải lại đam mê với các tài liệu y dược học. Một lần, anh vô tình đọc được tài liệu về trồng đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo. Sau khi tìm hiểu cách thức trồng, thị trường tiêu thụ, anh Hải nhận thấy đây là một lĩnh vực nhiều tiềm năng, bởi đông trùng hạ thảo vốn là loại thuốc quý của tự nhiên và chỉ một vài vùng đất trên thế giới mới có. Sản phẩm giàu chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng, tốt cho hô hấp, giúp thanh lọc cơ thể… “Nấm đông trùng hạ thảo tự nhiên là một sản phẩm xa xỉ, chỉ người giàu mới có điều kiện dùng vì số lượng hạn chế, giá thành đắt. Với mong muốn ngày càng có nhiều người được dùng sản phẩm này, tôi đã tìm hiểu để nuôi trồng trong môi trường nhân tạo", anh Hải kể về cơ duyên đến với đông trùng hạ thảo.

Dù công việc ở công ty chiếm khá nhiều thời gian nhưng anh Hải vẫn bố trí, sắp xếp tìm đọc, nghiên cứu tài liệu trồng, chăm sóc loại nấm quý này. Sau hơn 4 năm nghiên cứu, khi kiến thức về loại nấm này đã kha khá, năm 2018 anh mua máy móc, thiết bị, giá thể để bắt tay vào trồng nấm. Anh dành hơn 100 m2 tại nhà ở đường Tôn Đức Thắng (phường Sao Đỏ) xây dựng 2 phòng kỹ thuật. Ngoài nồi hấp phải mua ở bên ngoài, anh vận dụng kiến thức của một kĩ sư điện để tự chế tạo hệ thống phun sương, tủ cấy vi sinh và cài đặt hệ thống chiếu sáng… Nấm giống được anh mua từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam cấy vào cơ chất. Dù đã nghiên cứu rất kỹ, thực hiện các bước theo tài liệu hướng dẫn, nhưng anh Hải đã thất bại ở ngay mẻ nấm đầu tiên. Không nản chí, anh quyết tâm làm đi, làm lại hơn 10 lần để tìm ra nguyên nhân vì sao các bào tử nấm không mọc được.

Khi tìm ra nguyên nhân do áp suất khử trùng cơ chất chưa đạt nên trong cơ chất vẫn còn vi khuẩn, khi cấy vào nấm sẽ bị chua, không lên được tế bào nấm, anh Hải lại tiếp tục nuôi trồng thử nghiệm thêm 5 lần nữa. Trong những lần nuôi sau này, nấm đã lên cây nhưng gầy và thưa... Những sản phẩm đầu tiên thu được, anh Hải để gia đình, bạn bè dùng thử; một phần anh chào bán qua mạng xã hội Facebook, Zalo và nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. 


Thu hoạch nấm đông trùng hạ thảo tại Công ty TNHH Thảo dược An Bảo Khang

... là mẹ thành công!

Dù đã làm ra sản phẩm nhưng anh Hải vẫn chưa thật sự ưng ý, bởi số lượng ít và chất lượng chưa cao. Vì thế anh tạm dừng sản xuất nấm để suy ngẫm lại thời gian đã qua. Anh nhận thấy vấn đề cốt lõi nhất là do chưa làm chủ được công nghệ, kỹ thuật, chưa hiểu cặn kẽ quy trình trồng nấm. Công việc ở công ty cũng khiến anh chưa dành nhiều thời gian cho cây nấm. Thấy được tiềm năng rộng mở của nghề trồng nấm, anh Hải đã bàn bạc với gia đình quyết tâm nghỉ việc tại công ty, dành hết thời gian nghiên cứu về nấm đông trùng hạ thảo.

Để nắm được kỹ thuật cơ bản, đầu năm 2020, anh Hải khăn gói lên Viện Công nghệ sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) học nuôi nấm đông trùng hạ thảo trong vòng 2 tháng. Anh đã được các thầy cô truyền cho nhiều kiến thức mới, không có trong bất kỳ sách vở, tài liệu nào anh đã từng nghiên cứu trước đây. 

Khi nắm được những kiến thức do thầy cô chuyển giao, cùng kinh nghiệm có trong thực tiễn, anh bắt tay vào quá trình sản xuất nấm chuyên nghiệp. Anh đã từ bỏ mọi thứ đã có trước đây để xây dựng lại từ đầu. Công ty TNHH Thảo dược An Bảo Khang của anh đã ra đời để thuận tiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhận thấy diện tích nhà xưởng ở phường Sao Đỏ chật hẹp, không phù hợp, anh đã chuyển vào khu đất gia đình có tại khu dân cư Miễu Sơn để xây dựng lại. Trên diện tích 600 m2, nhà xưởng được quy hoạch đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất nấm theo quy trình khép kín gồm phòng vật tư, tạo cơ chất, phòng hấp, cấy vi sinh, ủ tối, nuôi sáng và cuối cùng là phòng thu hoạch.

Theo anh Hải, đông trùng hạ thảo là một loại nấm khá khó tính, nếu không được chăm sóc tỷ mỉ sẽ chết hoặc các bào tử lớn lên còi cọc, chất dinh dưỡng trong cây không bảo đảm. Để có nguồn dinh dưỡng nuôi nấm, trước tiên phải tạo được cơ chất từ gạo lứt đỏ, nhộng tằm, khoai tây, nước dừa, đường gluco… với một tỷ lệ thích hợp. Do ở Hải Dương không có cơ sở nuôi nhộng tằm, anh Hải phải lặn lội vào Nam Định đặt mua những con tằm bảo đảm chất lượng. 

Nhằm tạo môi trường tự nhiên cho nấm sinh trưởng, các phòng nuôi nấm đều được lắp điều hòa và điều chỉnh nhiệt độ ở mức 18-20 độ C, dùng đèn chiếu sáng khoảng 12 tiếng/ngày, đồng thời thường xuyên phun sương nhằm tạo môi trường ẩm. Để đánh giá sự phát triển của nấm, hằng ngày anh Hải kiểm tra xác suất các hộp nấm bằng cách mở ra xem sự phát triển của từng cây nấm. Nếu chúng có biểu hiện bất thường sẽ có những điều chỉnh về độ ẩm, nhiệt độ... phù hợp. "Chăm nấm đông trùng hạ thảo không khác gì chăm con mọn. Công đoạn nào cũng phải cẩn thận nếu không sản phẩm làm ra sẽ không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tạo giống và cấy giống nấm, bởi cây nấm rất dễ nhiễm khuẩn dẫn đến hỏng. Vì thế, các đồ dùng, dụng cụ nuôi nấm đều được tiệt trùng tuyệt đối sạch sẽ", anh Hải chia sẻ.

Khi nấm nuôi được từ 70-75 ngày, chiều cao sợi đạt từ 13 cm trở lên là đủ điều kiện thu hoạch. Nấm sẽ được đưa vào lò sấy thăng hoa trong 40 tiếng để làm khô mà vẫn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng vốn có. Hiện nay anh Hải có 5 phòng nuôi nấm với công suất 8.000 hộp nấm/mẻ. Ngoài bán trực tiếp, anh còn cung cấp nấm khô cho các Công ty TNHH Dược phẩm Tradiphar, Dược phẩm Hải Linh (đều ở TP Chí Linh) để làm dược liệu. Mỗi năm anh cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn hộp đông trùng hạ thảo tươi và khoảng 60 kg nấm khô, thu về hàng tỷ đồng. 

Để khẳng định chất lượng sản phẩm, anh Hải đã mang nấm đến Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm hàm lượng Adenosien và Cordycepin và đều bảo đảm chất lượng. Trong quá trình sản xuất, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được công ty chú trọng khi người lao động đều phải mặc bảo hộ, vệ sinh cá nhân trước khi vào làm việc. Nhà xưởng được vệ sinh, tiệt trùng định kỳ để bảo đảm các yếu tố an toàn. Năm 2021, công ty đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Trải qua bao khó khăn vất vả, anh Hải đã bước đầu thu được những thành công, trở thành một trong những người đầu tiên nuôi nấm đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo ở Hải Dương. Thành công nào cũng có những thất bại, vấn đề là phải biết đứng lên sau thất bại ấy để tìm được thành công. Anh Hải là một người như thế!

Xem clip

THỦY LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Kỳ công trồng nấm đông trùng hạ thảo
    ss