[Video] Kinh Môn: Cống dưới đê "kêu cứu"

18/04/2021 10:33

Kinh Môn có số lượng cống dưới đê lớn nhưng hầu hết đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc vận hành cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Mỗi khi vận hành cống Đò Đáy (xã Minh Hòa), thủ cống phải bắc thang trèo lên

Hiện nay, hệ thống cống dưới đê ở Kinh Môn đã xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến việc giữ nước phục vụ sản xuất cũng như gây khó khăn trong quá trình quản lý, vận hành.

Xuống cấp

Thị xã Kinh Môn nằm ở hạ lưu sông Thái Bình, được bao bọc bởi trên 86 km đê của 4 con sông lớn là Kinh Môn, Kinh Thầy, Hàn Mấu và Đá Vách. Nằm ở khu vực hạ lưu nên việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Kinh Môn phần lớn dựa vào thủy triều. Vì thế, thị xã có tới 97 cống dưới đê, trong đó 53 cống do Hạt Quản lý đê quản lý, 43 cống do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã quản lý và 1 cống do doanh nghiệp quản lý. Ông Trương Đức Tốn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Kinh Môn cho biết: "Hầu hết cống dưới đê ở Kinh Môn được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, tồn tại nhiều vấn đề như cống ngắn so với mặt cắt của đê, nước rò qua mang và tường thân cống, mang cống dốc đứng, răng bị nhờn, dầm đỡ máy đóng mở bị cong, vênh...".

Tại xã Minh Hòa có 12 cống dưới đê, nhiều nhất thị xã Kinh Môn. Phần lớn cống được xây dựng cách đây 40-50 năm, có cống xây dựng cách đây 60 năm. Trước đây, do điều kiện kinh phí và kỹ thuật hạn chế nên cống chủ yếu được xây bằng đá, không có xi măng, sắt thép, có cánh cống được làm bằng gỗ. Trải qua thời gian vận hành, nhiều cống đã xuống cấp, các bộ trục ti van cũ nát; có cống khi cần vận hành, thủ cống phải bắc thang trèo lên; giữa cánh cống và đáy cống lệch nhau.

Dẫn chúng tôi ra thăm cống Thượng Trà, bà Trần Thị Thiếm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Tân Dân cho biết cống được xây dựng từ khoảng năm 1968. Cống có 3 tấm cánh sắt hiện đã han, 1 tấm bị bục nên thường xuyên bị rò rỉ nước từ đồng ra ngoài. Hệ thống ren cống, hộp quay cũ. "Mỗi lần quay cống, ngoài thủ cống, chúng tôi phải bố trí thêm một người nữa hỗ trợ. Mặc dù có 2 người vận hành nhưng cũng chỉ quay được 3-5 phút là phải dừng lại nghỉ. Mỗi lần lấy nước hoặc đóng cống mất khoảng 30 phút", bà Thiếm nói.

Tuyến đê tả Kinh Thầy có 7 cống qua đê. Trong đó cống Duyên Linh có 1 cửa được xây dựng từ năm 1960. Hiện nay mang cống thượng lưu dốc, mang cống hạ lưu có hiện tượng rò nước từ phía sông vào, nứt dầm đỡ dàn van. Cống Hòa Bình có 1 cửa được xây dựng từ năm 1962, chất lượng cống rất kém, không có máy đóng mở... 


Cống Thượng Trà (phường Tân Dân) thường xuyên bị rò rỉ nước

Khó cho sản xuất nông nghiệp

Xã Minh Hòa có 335 ha đất nông nghiệp và 67 ha nuôi thủy sản. Nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản là nguồn tự chảy. Vì thế, cống có vai trò quan trọng trong việc giữ nước phục vụ sản xuất. "Do cánh và đáy cống không khớp nhau nên thường xuyên xảy ra rò rỉ nước từ trong đồng ra phía ngoài sông, nhất là vào vụ chiêm xuân, khi mực nước ngoài sông thường xuyên thấp hơn mực nước trong đồng. Để giữ được nước, tôi phải lặn xuống dưới dùng nilon nhét vào những chỗ rò rỉ để giữ nước lại. Nhưng có đợt không giữ được nước nên sản xuất nông nghiệp của bà con ảnh hưởng ít nhiều", ông Phạm Văn Rộng, thủ cống Đò Đáy cho biết.

Cống trên đê xuống cấp còn ảnh hưởng đến người dân đi lại. Vào tháng 5.2020, ông Vương Mạnh Hùng (TP Hải Dương) đi ô tô chở thiết bị máy móc phục vụ thi công cầu Triều không may va vào cột dàn van của cống Bến Triều (phường Thất Hùng) làm toàn bộ cột đổ gãy. Ông Hùng phải bỏ kinh phí sửa chữa những chỗ hỏng. 

Một trong những nguyên nhân làm nhiều cống ở Kinh Môn xập xệ, già cỗi như hiện nay là do nguồn kinh phí đầu tư, sửa chữa, xây dựng hằng năm hạn hẹp. Theo quy định, đê cấp 3 do Trung ương đầu tư, đê cấp 4-5 do tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng. Do số lượng các công trình cần tu sửa cấp bách nhiều nên Kinh Môn đã đề xuất từ lâu nhưng số lượng các cống được xây dựng, tu sửa lớn vẫn còn ít so với nhu cầu. Trong khi đó, nguồn kinh phí của thị xã và cấp xã hạn chế, chỉ đủ tu sửa một số hạng mục nhỏ dẫn đến không đồng bộ, làm giảm hiệu quả vận hành của hệ thống cống. 

Để bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp, thị xã Kinh Môn đã rà soát, đánh giá hiện trạng từng cống; có đến 41 cống dưới đê cần được đầu tư xây dựng, riêng cống Hàn Chanh (phường Minh Tân) cần được hoành triệt. Sản xuất nông nghiệp của thị xã Kinh Môn luôn dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa, giá trị các loại rau màu. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đề nghị các cấp, ngành quan tâm đầu tư tu sửa, xây dựng lại hệ thống cống trên địa bàn thị xã Kinh Môn.


Xem clip

 THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Kinh Môn: Cống dưới đê "kêu cứu"