Việc tồn tại các công trình xây dựng ngoài bãi sông ảnh hưởng lớn tới việc thoát lũ, đe dọa an toàn công trình đê điều. Song việc giải toả các công trình này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Mặc dù đã giải tỏa lán xưởng nhưng anh Tăng Tiến Định ở xã Lai Vu (Kim Thành) vẫn giữ lại nhà để phục vụ sản xuất, kinh doanh
Có lý, thiếu tình
Năm 2021, UBND tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tập kết kinh doanh than, cát và các loại khoáng sản ngoài bãi sông ở huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn. Đây là hai địa phương có số lượng bến bãi nhiều trong tỉnh. Sau rà soát, đoàn kiểm tra yêu cầu 2 địa phương sớm giải toả các công trình dựng trái phép ngoài bãi sông. Việc cấp phép các công trình trên bãi thuộc thẩm quyền của trung ương, kể cả nhà, lán tạm. Do đó, để phát sinh vi phạm này gây khó khăn trong quản lý, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, việc giải toả không dễ.
Theo kế hoạch, thị xã Kinh Môn phải vận động người dân tự tháo dỡ 25 mố cẩu và 256 công trình xây dựng. Mặc dù thời gian phải hoàn thành trong tháng 7.2022, các lực lượng chức năng cũng đã tích cực vào cuộc song đến đầu tháng 11, thị xã mới giải toả được 13 mố cẩu và 52 công trình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải toả chậm trễ mà chưa có biện pháp xử lý thoả đáng.
Ông Nguyễn Văn Hiệu ở phường Phạm Thái thuê 2,5 ha đất bãi sông Kinh Thầy làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh từ năm 2007. Vừa qua, ông đã chấp hành tháo dỡ 108 m2 nhà lán nhưng vẫn giữ lại 68 m2 nhà kiên cố và đề nghị các cấp, ngành xem xét, tạo điều kiện.
“Bãi sông xa khu dân cư nên tôi mới xây lán, cải tạo nhà để có chỗ để xe cho công nhân, ăn ca, trú nắng mưa và nơi giao dịch với khách hàng. Nếu giải toả hết thì rất bất tiện cho sản xuất, kinh doanh. Với lại ngôi nhà kiên cố là tôi cải tạo lại sau khi nhận chuyển nhượng từ hộ dân chứ không xây mới. Do đó, tôi không phải chủ thể vi phạm, việc áp đặt tôi tháo dỡ cũng chưa thấu tình đạt lý”, ông Hiệu bày tỏ.
Lực lượng chức năng huyện Kim Thành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đê điều trên địa bàn
Cần hướng tháo gỡ phù hợp
Gia đình anh Tăng Tiến Định ở xã Lai Vu (Kim Thành) kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi đê tả sông Rạng từ năm 2002. Để hỗ trợ việc kinh doanh, anh Định xây công trình nhà 30 m2 và lán xưởng trên mặt bãi. Khi được các ngành vận động tháo dỡ, anh tự nguyện phá bỏ lán xưởng song vẫn giữ lại nhà. Theo anh Định, nhà anh xây dựng trước khi các Luật Đê điều, Phòng chống thiên tai ra đời và có hiệu lực. Vì thế, yêu cầu anh chấp hành giải toả là chưa thỏa đáng.
Anh Định cho hay: “Nhà nước cho phép hoạt động ngoài bãi sông mà nghiêm cấm xây dựng công trình là không hợp lý. Bởi đã kinh doanh, sản xuất thì phải có chỗ để trông nom máy móc cũng như phục vụ điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho công nhân, người lao động. Tôi mong muốn các cấp, ngành có giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc này. Có thể linh động cho phép xây dựng lán tạm, sẽ giải toả khi cấp bách, chỉ cấm xây dựng công trình kiên cố. Ngoài ra, cân nhắc phương án giới hạn diện tích xây dựng. Còn cấm hoàn toàn sẽ khó cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng”.
Công trình nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Hiệu ngoài bãi sông Kinh Môn bắt buộc phải tháo dỡ theo quy định
Xem clip
HOÀNG LINH