[Video] Hương vị Tết xưa

31/01/2022 10:26

Cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng mỗi dịp Tết cổ truyền, những phong tục đẹp vẫn được nhiều gia đình ở Hải Dương lưu giữ với mong muốn trao truyền lại cho thế hệ sau.

Đụng lợn ngày Tết

Đụng lợn là nhiều hộ gia đình cùng chung một con lợn, rồi xả thịt, xay giò, chia phần. Ngày xưa, người dân cả năm mong chờ ngày Tết để được đụng lợn, có đủ thịt, giò, lòng, dồi, tiết canh…

Từ vài tháng trước, anh Vũ Văn Kỷ ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) đã nuôi đôi lợn để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Hai tháng đầu lợn vẫn được nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Nhưng sau đó, anh Kỷ chuyển sang nuôi bằng cám gạo, cám ngô, rau củ quả để thịt lợn săn chắc, ít mỡ. Sáng 27 Tết, anh Kỷ cùng với anh em, hàng xóm mổ lợn để lấy thịt làm giò, gói bánh chưng và chuẩn bị cho một số món ăn của những ngày Tết sắp tới. Anh Kỷ bảo: “Thịt lợn nhà nuôi nên ít mỡ, săn chắc và thơm ngon hơn hẳn so với mua ở chợ. Việc đụng lợn cũng khiến tôi nhớ về Tết của những ngày thơ bé. Khi ấy, cuộc sống khó khăn, ăn uống thiếu thốn, hiếm hoi lắm mới được bữa cơm có thịt. Lũ trẻ con háo hức, mong chờ Tết bởi lẽ dịp này nhà sẽ đụng lợn với các chú bác, hàng xóm láng giềng, được chia thịt lợn. Khi ấy, bắt đầu từ ngày 27 Tết, không khí ở làng xóm rộn ràng, nhiều người mang theo rổ rá để nhận chia phần, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, hân hoan”.


Anh Vũ Văn Kỷ cùng với anh em, hàng xóm đụng lợn để lấy thịt làm giò, gói bánh chưng và chuẩn bị cho một số món ăn của những ngày Tết sắp tới

Gói bánh chưng

Bánh chưng là vật phẩm gói trời đất mà nhà nào cũng phải chuẩn bị để dâng cúng tổ tiên trong những ngày Tết. Cuộc sống hiện đại với nhiều dịch vụ tiện ích, chỉ cần một giao dịch nhỏ, các gia đình đều có đủ lượng bánh chưng cần thiết. Nhưng cũng vẫn còn rất nhiều gia đình muốn tự tay gói những chiếc bánh chưng xanh dâng cúng tổ tiên trong 3 ngày Tết. Khoảng 25, 26 tháng chạp, nhiều nhà bắt đầu sửa soạn, chuẩn bị những nguyên liệu gọi bánh như lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn. Điều làm cho không khí Tết ngập tràn ngôi nhà chính là lúc cả gia đình với nhiều thế hệ cùng nhau ngồi gói bánh chưng. Từ nhiều năm nay, thay vì đặt bánh chưng thì gia đình ông Nguyễn Xuân Quản, ở đường Trần Hưng Đạo, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) vẫn tự tay gói những chiếc bánh chưng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Với ông, việc tất bật, bận rộn chuẩn bị gói bánh mới đúng không khí của Tết. Ngồi gói bánh, ông cùng các con ôn lại về những chuyện của một năm sắp qua, nói về những dự định, kế hoạch của một năm sắp tới. Những đứa trẻ háo hức xem ông gói bánh và được bà nắm cho một vài viên đỗ xanh đã nấu chín. Không khí sum vầy thế nên dù bận rộn hơn nhưng ông Quản rất vui. Những chiếc bánh chưng vuông vắn được xếp vào nồi và chất lên bếp. Bếp lửa bập bùng tỏa ra hơi ấm, ông Quản và con trai thay phiên nhau trông nồi bánh chưng. Khi vớt bánh, những đứa trẻ háo hức, thích thú reo hò khi nhận được chiếc bánh nhỏ xíu, xinh xắn.


Nhiều gia đình duy trì việc gói bánh chưng ngày Tết để con cháu được trải nghiệm hương vị Tết cổ truyền

Rửa mặt bằng nước mùi già

Theo tục lệ Tết cổ truyền, ngày 30 Tết nhà nào cũng sẽ đun một nồi nước mùi già để tắm rửa trong chiều 30 Tết và rửa mặt trong sáng mùng 1 Tết.  Điều này đã trở thành một phong tục đẹp và là nét văn hóa của người Việt không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Với chị Phạm Thị Thúy Hằng, ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) mùi thơm nước mùi già là một hương vị không thể thiếu trong ngày Tết. Từ nhỏ, chị Hằng đã theo mẹ, theo bà đi chợ lựa chọn những bó mùi già về đun cả một nồi nước to cho cả nhà tắm tất niên chiều 30 Tết. Hương mùi già thơm lan tỏa cả căn bếp nhỏ, hòa quyện với mùi nhang trầm tạo nên mùi thơm rất đỗi đặc trưng, không thể lẫn với bất kỳ hương vị nào của Tết. “Quan niệm tắm nước mùi già để gột rửa, rũ bỏ những điều xui xẻo của năm cũ, đón nhận những điều may mắn cho một năm mới... Tôi vẫn luôn lưu giữ nét đẹp này, tôi muốn các con của mình cũng sẽ có những ký ức đẹp đẽ về gia đình trong những ngày Tết. Dù công việc bận rộn và cuộc sống đã hiện đại hơn nhưng với tôi thiếu mùi già là thiếu đi mùi hương đặc trưng của Tết” chị Hằng kể.


Đun nước mùi già trong ngày tất niên để tắm rửa là phong tục truyền thống của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán

Ngoài những tục lệ đẹp này, trong tỉnh vẫn còn nhiều nơi lưu giữ các nét đẹp văn hoá ngày Tết khác như dựng cây nêu ngày Tết ở xã Tân An (Thanh Hà), tục mời trầu đầu năm mới ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang), chơi pháo đất ở xã Nghĩa An (Ninh Giang)… Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều tục phải tạm gác lại.

Xem clip

TRANG HOA KIÊN

(0) Bình luận
[Video] Hương vị Tết xưa