Đây là phương pháp thụ phấn tự nhiên và đạt hiệu quả cao nhất.
Kỹ thuật nuôi ong thụ phấn cho dưa được chủ các nhà màng trong tỉnh ứng dụng khoảng 2 năm trở lại đây
Khoảng 2 năm nay, nhiều chủ nhà màng trong tỉnh đã ứng dụng kỹ thuật nuôi ong thụ phấn cho dưa. Kỹ thuật độc đáo này không chỉ giúp tăng hiệu quả thụ phấn cho cây mà còn giảm ngày công lao động.
Tăng tỷ lệ thụ phấn
Vườn dưa lưới rộng 3.000 m2 của ông Nguyễn Đức Hoạt ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất là thụ phấn cho cây. Giai đoạn này quyết định đến năng suất và chất lượng của quả sau này. Ông Hoạt là một trong những chủ vườn đầu tiên ở tỉnh thử nghiệm kỹ thuật nuôi ong thụ phấn cho dưa. "Trước đây, tôi đã thử nghiệm cho ong vào các nhà vườn nhưng không thành công, ong chết nhiều, trong khi tỷ lệ hoa được thụ phấn đạt thấp. Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi thử nghiệm lại và thành công", ông Hoạt nói. Thay vì sử dụng giống ong nội như trước thì nay ông đặt những tổ ong ngoại ở trong vườn. Ông cho biết chỉ cần đặt một vài tổ ong ngoại ở nhà vườn trong từ 3-5 ngày, toàn bộ số cây dưa lưới sẽ được thụ phấn, tỷ lệ thành công lên tới gần 100%. Với 3.000 m2 nhà màng, mỗi vụ dưa gia đình ông thu hơn 10 tấn quả, lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Hinh ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cũng huấn luyện ong thành những "thợ" thụ phấn chuyên nghiệp. Khi hoa bắt đầu nở rộ, ông cho đàn ong mật vào vườn thụ phấn liên tiếp 3 ngày. Với 3.000 m2 nhà lưới, ông đặt 4 tổ ong ngoại ở từng khu. "Thông thường nhiệt độ trong nhà lưới sẽ cao hơn bên ngoài từ 4-5 độ C, do vậy tình trạng ong bị chết do nắng nóng và kiệt sức là không thể tránh khỏi. Để hạn chế điều này, cần lựa chọn thời điểm thả ong vào vườn trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật khoảng 5 ngày. Khi thụ phấn xong, mang đàn ong ra khỏi vườn để nuôi dưỡng vài tuần, chờ đến vụ dưa khác", ông Hinh cho biết.
Theo kinh nghiệm của các chủ vườn, để ong thụ phấn đạt hiệu quả cao cần dự đoán ngày hoa cái nở để quyết định thời gian đưa ong vào nhà màng. Thông thường nên đưa ong vào nhà trước khi hoa cái nở 2-3 ngày để ong quen với môi trường mới. Hằng ngày, cần cho ong uống thêm nước đường để bảo đảm sức khỏe. Đây là phương pháp thụ phấn tự nhiên và hiệu quả nhất.
Để ong thụ phấn đạt hiệu quả cao cần dự đoán ngày hoa cái nở để quyết định thời gian đưa ong vào nhà màng
Giảm công lao động
Việc sử dụng kỹ thuật nuôi ong thụ phấn cho dưa đã được ứng dụng từ lâu, nhất là tại một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, kỹ thuật này mới được ứng dụng tại các nhà màng trong tỉnh khoảng 2 năm gần đây. Không chỉ giúp tăng hiệu quả thụ phấn cho cây mà còn giảm công lao động.
Trước đây, để thụ phấn cho dưa, các chủ nhà màng phải thuê nhân công hoàn toàn. Ước tính, với 1.000 m2 phải thuê từ 4-5 nhân công để thụ phấn cho cây. Nhưng nếu thả 1 thùng ong vào thì chỉ trong một buổi sáng, toàn bộ dưa lưới sẽ được thụ phấn thành công.
Ông Nguyễn Đức Hoạt, chủ nhà màng ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường chia sẻ: "Chủ các nhà màng thường thuê ong với giá 500.000 đồng/tổ để thụ phấn. Cứ 1.000 m2 nhà màng sẽ đặt 1 tổ ong. Như vậy, với kỹ thuật này chi phí thụ phấn cho cây với mỗi nhà màng chỉ từ 1-2 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, nếu thuê nhân công thì chi phí sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Hiện toàn bộ diện tích nhà màng trồng dưa lưới đều được thụ phấn bằng ong, công nhân chỉ tập trung quản lý và chăm sóc dưa lưới nên giảm được chi phí và ngày công lao động".
Ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá đây là kỹ thuật độc đáo và thân thiện với môi trường. Dưa được trồng trong các nhà màng, nhà lưới sẽ tránh được côn trùng và sâu bệnh có hại. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà cây mất đi khả năng thụ phấn tự nhiên. Việc ứng dụng kỹ thuật độc đáo này đã giúp các nhà màng tăng năng suất, chất lượng của dưa lưới. Kỹ thuật này rất phù hợp với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ của các nhà màng, nhà lưới trong tỉnh.
TRẦN HIỀN