[Video] Để “trẻ VIP” được hạnh phúc

02/04/2023 15:46

Mang đến cho con một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, hòa đồng là mong muốn của những người làm cha, làm mẹ, nhưng đó còn là khát khao của nhiều gia đình ở Hải Dương có con mắc chứng tự kỷ (trẻ VIP).


Chị Lương Thị Vân Anh hướng dẫn con trai mắc chứng tự kỷ chơi đàn piano

Gia đình luôn bên con

Trong một căn hộ đẹp đẽ ở khu đô thị Ecopark Hải Dương, tiếng đàn piano êm ái của em N.M.H khiến người nghe cảm thấy thư thái. H. năm nay 16 tuổi, mắc chứng tự kỷ, đang theo học hòa nhập tại Trường THPT Hồng Quang. Khi H. gần 3 tuổi thì gia đình phát hiện cậu không giống như những đứa trẻ bình thường khác như chậm nói, giao tiếp mắt kém, tăng động, không chú ý. Giờ đây H. đã có nhiều thay đổi tích cực, tự nấu cơm, đạp xe thể dục, vệ sinh cá nhân...

Clip H. chơi đàn piano

Có được điều đó là sự nỗ lực không ngừng của gia đình, đặc biệt là những năm tháng kiên nhẫn, bền bỉ của người mẹ. Mẹ H. là chị Lương Thị Vân Anh khi biết con có những biểu hiện không bình thường đã rất buồn, đau khổ. Chị từng rơi vào trạng thái tuyệt vọng, muốn buông xuôi. Động lực lớn lúc ấy là nếu buông xuôi con chị sẽ mãi là một đứa trẻ không lớn. Vì thế, chị Vân Anh đã tự tìm hiểu về chứng tự kỷ và xác định chỉ có một cách cứu con là luôn bên cạnh con, làm một người bạn đặc biệt của con. Chị không ngại đi khắp nơi để học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, tạo môi trường phù hợp với con ngay tại nhà. Từ đó chị cùng con khắc phục những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh. Chị Vân Anh chia sẻ: “H. thích chơi piano, thích sắp xếp đồ ngăn nắp và gia đình đã tạo cho con được vui vẻ, hạnh phúc bộc lộ sở thích của mình. Với sự tiến bộ trong thời gian qua, chúng tôi tin cháu sẽ sớm có một cuộc sống bình thường”.

​Chị Lương Thị Vân Anh luôn kiên trì, bền bỉ bên cạnh con như một người bạn đặc biệt hơn chục năm qua

Không được may mắn như chị Vân Anh khi có gia đình hỗ trợ, chị Hoàng Thị Trang (sinh năm 1989) ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) lại chồng chất khó khăn, một mình phải nuôi, chăm sóc 2 con trai sinh đôi cùng mắc chứng tự kỷ. Người mẹ đơn thân ấy dáng người nhỏ bé, bị cận thị, là lao động tự do, thu nhập mỗi tháng chỉ từ 2-4 triệu đồng. Ba mẹ con chị Trang ở trong căn phòng trọ nhỏ, đồ đạc, quần áo của con không đủ mặc phải đi xin.

Thế nhưng, với nghị lực phi thường, chị chưa một ngày buông bỏ con khi biết các cháu không được bình thường. Năm nay 2 cháu đã 7 tuổi, một cháu mới biết nói vài từ đơn, cháu còn lại chưa nói được từ nào. Các cháu chưa thể vệ sinh cá nhân, tăng động, giảm chú ý. “Tôi chỉ mong con khỏe mạnh, sẽ tìm mọi cách giúp các con hòa đồng, bình thường như những đứa trẻ khác", chị Trang chia sẻ.

Hiện nay, nhận thức của nhiều bố mẹ có con bị mắc chứng tự kỷ còn hạn chế. Thực tế có người thấy con như vậy thì buông bỏ, không thể chấp nhận. Có người thì xấu hổ không muốn chia sẻ với bạn bè về tình trạng của con và cứ như vậy con mãi không thể hòa đồng, phát triển. Muốn can thiệp hiệu quả cho trẻ VIP, trước hết bố mẹ cần sớm thay đổi nhận thức để con mình không bị thiệt thòi. Bởi sự đồng hành, gần gũi, chia sẻ của bố mẹ mới là “thuốc" quý nhất cho trẻ mắc chứng tự kỷ.

Sự chia sẻ không chỉ từ người thân

Trước những trăn trở của nhiều bố mẹ có trẻ tự kỷ, tháng 11.2019, Câu lạc bộ Gia đình trẻ đặc biệt Hải Dương (gọi tắt là Câu lạc bộ Gia đình VIP Hải Dương) được thành lập. Đây là thành viên của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN). Lúc mới thành lập, câu lạc bộ chỉ có 20 thành viên, đến nay có hơn 100 thành viên. Câu lạc bộ nhằm tập hợp các gia đình có trẻ VIP cùng chia sẻ kinh nghiệm, động viên nhau vượt qua khó khăn. Câu lạc bộ có thể kết nối với các giáo viên, nhà chuyên môn, tổ chức, cá nhân cùng hỗ trợ các gia đình trong can thiệp, nuôi dạy trẻ đúng cách, tránh làm tổn thương con.


Chị Hoàng Thị Trang chơi cùng 2 con trai mắc chứng tự kỷ nặng

Anh Nguyễn Quốc Huy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình VIP Hải Dương cho biết ban đầu một số phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ còn e dè. Họ không có niềm tin vì đã đưa các con đi chữa trị nhiều nơi, gặp nhiều thầy cô nhưng không tiến triển, lãng phí tiền bạc. Sau khi tham gia một số hội thảo cùng với chuyên gia, họ đã thay đổi nhận thức. Câu lạc bộ đang thu hút nhiều bố mẹ cùng đồng hành với các con trên chặng đường khó khăn phía trước.

Trong 3 năm hoạt động, câu lạc bộ luôn có mối liên hệ với các thầy cô có kinh nghiệm giáo dục trẻ đặc biệt để định hướng phát triển cho con. Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, ngoại khóa giúp bố mẹ có những kỹ năng can thiệp cơ bản, nhận thức đúng về chứng tự kỷ. Chị Phạm Thị Ngân, giáo viên giáo dục trẻ đặc biệt cho biết trẻ VIP cần sự yêu thương từ bố mẹ nhiều hơn. Chúng cần được nhìn nhận với thái độ bao dung, mở lòng chứ không phải kỳ thị. Chỉ có như vậy các cháu mới có thể hòa nhập cộng đồng và được định hướng nghề nghiệp một cách đúng đắn.

Với chủ đề "Chuyển biến: Hướng tới một thế giới hòa nhập cho tất cả mọi người", hy vọng Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2.4 sẽ giúp mọi người thay đổi nhận thức, quan niệm sai lầm là chữa trị người tự kỷ sang một cách tiếp cận toàn diện, tập trung vào việc chấp nhận, hỗ trợ người tự kỷ. Qua đó xây dựng một gia đình vui vẻ, giúp trẻ VIP được hạnh phúc hơn. 

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Để “trẻ VIP” được hạnh phúc