Thâm canh liên tục cùng với lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đang làm cho đất ở một số vùng chuyên canh rau màu của tỉnh Hải Dương ở tình trạng ô nhiễm.
Toàn bộ 6 sào su hào của gia đình ông Phạm Văn Thanh phải cắt bỏ do bị bệnh
"Vắt kiệt" đất
Những đợt mưa lớn kéo dài xen với nắng gắt đã làm nhiều diện tích trồng su hào ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) bị bệnh. Dù phun thuốc liên tục nhưng ông Phạm Văn Thanh ở thôn Ô Mễ vẫn phải cắt bỏ toàn bộ 6 sào su hào đã trồng được hơn một tháng. Tính ra, mỗi sào ông bị thiệt hại khoảng 1,4 triệu đồng.
Ông Thanh thừa nhận nhiều năm nay, ruộng ở cánh đồng này ông chỉ canh tác 3 vụ su hào và 2 vụ dưa hấu. Thuốc trừ sâu được phun định kỳ 1 tuần/lần, nếu cây bị bệnh thì tần suất phun nhiều hơn. Các loại phân dùng để bón cho đất chủ yếu là phân hóa học vì có tác dụng nhanh. Đây có thể là nguyên nhân làm cây trồng bị phát sinh nhiều bệnh và khó chữa.
Xã Hưng Đạo là một trong những vựa rau lớn nhất của huyện Tứ Kỳ. Thay vì cày phá luống thì nay nông dân chỉ xới lớp đất ở bề mặt luống, bỏ thêm phân lót để trồng cây. Cách làm đất này lâu ngày khiến đất bị bạc màu, độ PH giảm xuống mức cực thấp và ẩn chứa nhiều mầm bệnh. Hậu quả là dưa hấu, dưa lê bị chết hàng loạt, su hào bị bệnh cháy lá, vẹo củ... gây thiệt hại kinh tế lớn cho nhiều hộ nông dân.
Tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng), ngoài cà rốt thì dưa cũng là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, những năm gần đây phần lớn diện tích dưa hấu và dưa lê đều bị chết xanh gây thiệt hại lớn. Thời tiết bất thường cùng với đất đai bị "vắt kiệt" nên những năm gần đây tỷ lệ dưa bị chết cao, có ruộng lên tới 70%. Một số hộ mất trắng nhiều vụ dưa nên không dám trồng lại mà phải chuyển sang cây trồng khác.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính nhận định: "Phần lớn các hộ dân chưa có thói quen cải tạo đất. Nếu tình trạng này còn kéo dài nhiều năm nữa thì đất đai ở khu vực này sẽ rất khó canh tác".
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nguyên nhân dưa hấu, dưa lê chết đồng loạt ở các vùng chuyên canh là do tình trạng thâm canh liên tục, không quan tâm cải tạo đất. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, nhiều diện tích dưa bị chết hàng loạt, một số khu vực nông dân không dám trồng lại dưa hấu, dưa lê.
Không chỉ dưa mà năng suất, chất lượng của các loại nông sản khác cũng bị giảm nhiều so với trước; nhiều loại bệnh phát sinh trên cây trồng và khó điều trị.
Biết được nguyên nhân dưa chết nên một số hộ ở xã Đức Chính đã thay đổi cách trồng, tăng cường cải tạo đất giúp nâng cao năng suất
Thay đổi cách canh tác
Xác định được nguyên nhân gây dưa chết hàng loạt nên số ít nông dân ở xã Hưng Đạo đã bắt đầu thay đổi tập quán canh tác. Thay vì thâm canh rau, dưa liên tục, một số hộ đã trồng lúa và các loại cây khác như đỗ, lạc...
Ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Đạo cho biết: "Các loại cây này khác họ so với những cây truyền thồng ở khu vực này nên có tác dụng cải tạo đất, giúp giảm mầm bệnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tăng cường sử dụng phân chuồng ủ mục và các loại phân hữu cơ khác để bón và cải tạo đất. Những ruộng được cải tạo đất đúng cách cây trồng ít bị bệnh hơn, năng suất cũng tăng rõ rệt hơn những ruộng bị thâm canh liên tục".
Việc thâm canh, tăng vụ, độc canh, dùng các loại phân bón hóa học vào sản xuất... đã giúp nâng cao năng suất cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế nhưng cũng dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đất trồng không còn được bảo vệ như trước mà bị khai thác liên tục, đất bị chua do bón thiếu phân, nông dân chủ yếu dùng phân hóa học, ít bổ sung phân hữu cơ nên chất lượng đất suy giảm.
Việc thâm canh và độc canh trong thời gian dài qua nhiều vụ sẽ tạo điều kiện thích hợp cho các mầm bệnh lưu trú trong đất. Bón nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật làm chết các vi sinh vật có lợi trong đất, làm biến đổi đặc tính đất.
Chất lượng đất sẽ quyết định đến năng suất và chất lượng cây trồng. Chất lượng đất suy giảm cũng đồng nghĩa với việc môi trường sống của cây trồng kém dần và không đáp ứng được các nhu cầu của cây.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Nếu vẫn giữ thói quen cũ, các vùng đất sẽ ngày càng bạc màu, năng suất, hiệu quả kinh tế giảm. Do vậy nông dân cần thay đổi dần tập quán canh tác. Cần lựa chọn cây trồng hợp lý và tăng cường bón lót bằng các nguồn phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh... để cải tạo đất. Trồng xen hoặc luân canh cây trồng chính với lúa hoặc cây họ đậu vì chúng có khả năng cố định đạm, giúp cải tạo độ phì nhiêu của đất rất tốt. Đây là giải pháp tốt nhất để bảo vệ và khai thác hiệu quả ở vùng chuyên canh".
Xem clip
TRẦN HIỀN