Hải Dương có nhiều cơ sở y tế tư nhân không phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Cơ sở nha khoa Việt Đức ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) vẫn phục vụ khách. Ảnh chụp sáng 12.3
Ngày 21.3, Sở Y tế Hải Dương có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp giám sát, đình chỉ hoạt động của 52 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép. Tuy nhiên, gần 1 tháng đã qua, nhiều cơ sở thuộc diện buộc phải đình chỉ vẫn ngang nhiên hoạt động.
Vi phạm công khai
Mặc dù bị đình chỉ hoạt động do chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng quầy thuốc Nguyễn Thị Yến ở ngã tư phố Mao, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) vẫn ngang nhiên hoạt động. Sáng 13.4, bà Yến vẫn bán hàng công khai cho nhiều người dân. Chủ quầy thuốc này cho biết đã nhận được thông báo về việc phải dừng hoạt động từ cách đây nhiều ngày. Nhưng khi được hỏi vì sao vẫn bán hàng thì bà này biện lý "nói chung là bây giờ khó khăn, một mình em nuôi 2 con nhỏ”.
Xã Yết Kiêu (Gia Lộc) có 2 cơ sở nha khoa là Việt Đức và Hà Nội không phép, thuộc diện buộc đình chỉ hoạt động. Trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương qua điện thoại trưa 12.4, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Du thông tin xã đã thành lập đoàn do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng đoàn đi kiểm tra hai cơ sở này. Qua kiểm tra có cơ sở nha khoa Việt Đức đóng cửa.
Thế nhưng, khi phóng viên xuống thực tế thì thấy chủ 2 cơ sở nha khoa Việt Đức và Hà Nội vẫn mở cửa đón khách công khai. Trong vai một khách hàng, phóng viên đã vào cơ sở nha khoa Việt Đức. Chủ cơ sở này khám và tư vấn rất nhiệt tình trong quá trình khám răng cho phóng viên.
Theo Sở Y tế, toàn tỉnh có 52 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép thuộc diện đình chỉ hoạt động. Trong đó, huyện Cẩm Giàng nhiều nhất với 12 cơ sở, tiếp đến là huyện Gia Lộc 7 cơ sở; các huyện Bình Giang, Tứ Kỳ và TP Hải Dương mỗi nơi có 5 cơ sở… Các cơ sở này mắc các lỗi như người làm việc không đúng hoặc không đủ như giấy phép, khi thay đổi không báo cáo về Sở Y tế; nhiều bác sĩ tuổi cao, sức khỏe hạn chế. Các cơ sở dịch vụ y tế về nha khoa không được cấp phép khám chữa bệnh nhưng hoạt động công khai. Một số nhà thuốc, quầy thuốc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc ghi chép, sổ sách, quản lý xuất nhập, tồn, theo dõi số lô, hạn dùng của thuốc trên phần mềm quản lý bán lẻ thuốc. Việc thực hiện các quy trình thao tác chuẩn thực hành tốt bán lẻ thuốc đạt tiêu chuẩn GPP còn hạn chế...
Theo tìm hiểu của phóng viên, kể từ khi có công văn đề nghị phối hợp giám sát, đình chỉ hoạt động các cơ sở y tế tư nhân không phép, UBND nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã kiểm tra, gửi thông báo yêu cầu các cơ sở này dừng hoạt động theo quy định. Một số địa phương giao UBND cấp xã nhắc nhở, giám sát, xử lý vi phạm. Lãnh đạo Phòng Y tế TP Hải Dương còn xuống từng cơ sở kiểm tra việc chấp hành quy định. Bà Dương Hằng Nga, Trưởng Phòng Y tế TP Hải Dương cho biết: “Chúng tôi trực tiếp đi kiểm tra 5 cơ sở thì có 2 cơ sở đang hoạt động. Chúng tôi đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính một cơ sở 20 triệu đồng”.
Cơ sở bị phạt mà bà Nga nhắc tới là quầy thuốc Kim Ngân ở chợ Liên Hồng. Ngoài việc bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, quầy thuốc này được yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định. Tuy nhiên, trưa 12.4, quầy thuốc này vẫn hoạt động công khai.
Quầy thuốc Kim Ngân ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn hoạt động công khai. Ảnh chụp trưa 12.3
Sớm phân cấp quản lý
Hải Dương có khoảng 650 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Năm 2022, Sở Y tế đã tổ chức kiểm tra 278 cơ sở y tế tư nhân, có 71 cơ sở bị phạt với tổng số tiền 137 triệu đồng; 52 cơ sở bị đình chỉ hoạt động. Điều đó cho thấy nếu kiểm tra tất cả những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trong tỉnh thì số vi phạm có thể không chỉ dừng lại ở con số 52.
Có một thực tế là Sở Y tế không thể bố trí đủ người để có thể kiểm tra, giám sát thường xuyên tất cả các cơ sở y tế tư nhân. Rất nhiều cơ sở vi phạm đã bị kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nhưng sau khi vắng bóng lực lượng chức năng lại hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho rằng tỉnh không thể kiểm tra, giám sát tất cả các địa phương vì có hàng trăm cơ sở. Do đó, dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở hoạt động không phép hoặc chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định. “Các cấp, ngành cần nghiên cứu phân cấp quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân cho cấp huyện. Điều này sẽ giúp công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm hiệu quả hơn, các cơ sở sẽ hoạt động nền nếp, ổn định hơn”, ông Công nói.
Xem clip
BM