[Video] Cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản: Có nhưng chưa đủ

08/03/2022 06:08

Hiện nay, các cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nhưng quy mô nhỏ lẻ, thiếu hệ thống kho lạnh.


Hệ thống kho lạnh bảo quản cà rốt tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng) chưa đáp ứng yêu cầu thực tế


Để nâng cao giá trị và giải quyết bài toán ùn ứ nông sản khi vào vụ thu hoạch thì việc sơ chế, bảo quản nông sản phải được quan tâm đầu tư hơn nữa.

Nhỏ lẻ, manh mún

Từ cuối tháng 12.2021, cơ sở sấy hành của ông Nguyễn Văn Mạnh (ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, Nam Sách) hoạt động gần như hết công suất. Với gần 1.000 m2 nhà xưởng, cao điểm có ngày cơ sở của ông thu mua 10 tấn hành củ để thái lát sấy khô. Trung bình mỗi vụ, cơ sở của ông Mạnh xuất khẩu gần 100 tấn hành sấy sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu. Những năm trước, xưởng có diện tích nhỏ nên việc chế biến, xuất khẩu nông sản còn hạn chế. Phần lớn hành tỏi sau khi thu hoạch được sơ chế theo cách thủ công nên nông sản dễ bị hỏng khi gặp thời tiết bất lợi.

“Hiện nay, trên địa bàn xã Nam Trung có nhiều xưởng sơ chế hành tỏi nên việc bảo quản nông sản không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết như trước. Tuy nhiên, hệ thống máy móc sơ chế, chế biến nông sản của các hộ vẫn còn lạc hậu, chủ yếu sấy bằng lò than, vận hành thủ công nên chi phí nhiều mà hiệu quả chưa cao. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng và thiết bị máy móc để tăng sản lượng hành sấy xuất khẩu đi các nước”, ông Mạnh cho biết.

Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày có hàng nghìn tấn cà rốt từ khắp các địa phương cả trong và ngoài tỉnh được chở về xã Đức Chính (Cẩm Giàng). Được coi là "công xưởng" sơ chế cà rốt của cả khu vực miền Bắc nhưng cả xã chỉ có 6 cơ sở sơ chế quy mô vừa và nhỏ. Mới đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính được Chính phủ Hàn Quốc viện trợ xây dựng cơ sở sơ chế và bảo quản nông sản với tổng diện tích hơn 2.000 m2. Trong đó có 1 dây chuyền sơ chế cà rốt công suất tối đa 100 tấn/ngày và 4 kho lạnh, mỗi kho chứa được hơn 100 tấn hàng. Đây là cơ sở sơ chế cà rốt lớn nhất tỉnh. Dù vậy, việc sơ chế, bảo quản nông sản vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, mỗi vụ, lượng cà rốt được sơ chế trên địa bàn xã khoảng 63.000 tấn, chiếm 90% tổng sản lượng của cả tỉnh. Trong khi đó, xưởng sơ chế, đặc biệt là hệ thống kho lạnh chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Tỷ lệ cà rốt hao hụt phải bỏ đi do quá lứa chiếm từ 15 - 20%. Nếu có kho lạnh bảo đảm đủ công suất thì cà rốt sẽ thu hoạch đúng thời vụ, hạn chế tình trạng nứt, thối củ phải nhổ bỏ. Cà rốt bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ âm 2 độ C sẽ giữ được độ tươi ngon từ 2 - 4 tháng, giảm áp lực thu hoạch thời vụ và tăng giá trị nông sản.



Các cơ sở sơ chế, chế biến hành tại xã Nam Trung (Nam Sách) còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chi phí nhân công cao


Ưu tiên đầu tư

Năm 2021, tổng diện tích cây rau màu cả năm của tỉnh đạt 41.600 ha, sản lượng ước đạt hơn 803.000 tấn. Dự kiến, sản lượng nông sản sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới. Hải Dương là một trong những vùng trồng rau màu lớn nhất ở khu vực miền Bắc với nhiều nông sản chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao. Dù vậy, việc đầu tư cho khâu sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch vẫn chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

Ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) chia sẻ: “Để bảo đảm chất lượng, nông sản phải được thu hoạch đúng thời điểm. Cái cần nhất ở các vùng trồng rau màu tập trung là kho lạnh. Mặc dù toàn xã Hưng Đạo có tới hơn 100 ha trồng rau màu tập trung nhưng chưa có kho lạnh để bảo quản nông sản. Đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, nông dân bất lực nhìn những ruộng rau vụ đông quá lứa phải nhổ bỏ, nếu có kho lạnh thì tình trạng này sẽ không diễn ra".

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, hàng hóa ứ đọng, nếu không có nơi bảo quản sẽ gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư cho sơ chế, bảo quản sau thu hoạch là cần thiết. Tuy nhiên chỉ có các doanh nghiệp lớn có tiềm lực mới đủ vốn đầu tư nhà xưởng, kho lạnh, còn các cơ sở nhỏ lẻ, HTX thì rất khó. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do ùn ứ nông sản khi vào vụ thu hoạch cần ưu tiên đầu tư vào hệ thống sơ chế, bảo quản bằng kho lạnh.

Bà Đào Thị Tuyết Mai, Phó Trưởng Phòng Chế biến thương mại và ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định: “Các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh có nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường là mục tiêu mà tỉnh hướng tới. Để giải bài toán này, trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư cho công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại nhằm giảm tổn thất và nâng cao giá trị sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia và liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp”.

Xem clip

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản: Có nhưng chưa đủ