Sáng 8.12, sau khi kết thúc phần thảo luận tại hội trường, Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình.
>>> Đầu tư 100 tỷ đồng bảo tồn khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình
Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự.
Các đại biểu đã chất vấn các đồng chí: Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các đồng chí: Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình làm rõ một số vấn đề được đại biểu, cử tri quan tâm.
Điều hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị: “Để thuận lợi cho quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa kỳ họp đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi trong thời gian không quá 1 phút, nên nêu rõ vấn đề quan tâm, tâm huyết nhất. Câu hỏi cần rõ, ngắn gọn để người trả lời kịp thời tiếp thu, trả lời. Đối với người được chất vấn cần trả lời ngắn gọn, mỗi câu trả lời không quá 3 phút, đi thẳng vào vấn đề đại biểu hỏi”.
Đồng chí Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn
Trích trả lời chất vấn của đồng chí Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
“Mổ xẻ” công tác quản lý nhà nước về khoáng sản
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, nhận được nhiều câu hỏi nóng từ 4 đại biểu HĐND tỉnh.
Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Khổng Quốc Tuân, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân Sách HĐND tỉnh nêu: “Theo báo cáo kết quả kiểm tra, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 42 giấy phép hết hiệu lực chưa thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường hoặc đang thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định và 17 khu vực chưa cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, môi trường, đề nghị ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp khắc phục và hướng xử lý đối với các mỏ này trong thời gian tới?”.
Đại biểu Khổng Quốc Tuân, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân Sách HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý nhà nước với khoáng sản
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực cho biết kể từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Thông báo số 1867 thì sở không tham mưu cấp mới, gia hạn một giấy phép nào. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu tỉnh tổng rà soát lại các mỏ để tham mưu hướng xử lý. Qua kiểm tra, rà soát, sở đã yêu cầu đóng cửa mỏ với 4 giấy phép khai thác khoáng sản, đang yêu cầu chủ của 35 giấy phép hoàn thiện thủ tục đóng cửa mỏ (trong đó hiện nay 14 doanh nghiệp đang nộp hồ sơ đóng cửa mỏ). Với 17 khu vực chưa cấp phép thì sau khi thống nhất với các địa phương, căn cứ vào quy hoạch, qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đưa ra quy hoạch 8 khu vực, còn 6 khu vực sẽ lập hồ sơ quy hoạch để đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
“Sở tích cực tham mưu cho tỉnh đưa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật”, đồng chí Hoàng Văn Thực cho biết.
Đại biểu Đinh Văn Truy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường
Sau phát biểu của ông Hoàng Văn Thực, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần có lời hứa, đưa ra thời hạn cụ thể để xử lý vấn đề trên. Trả lời, đồng chí Hoàng Văn Thực hứa khi có hồ sơ của các chủ mỏ thì sở sẽ thành lập hội đồng xem xét, quyết định thực hiện đóng của mỏ theo quy định.
Đại biểu Lương Thu Hương chất vấn: “Có tình trạng số liệu đất đai của xã với Phòng Tài nguyên và Môi trường không khớp nhau, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, sở có giải pháp gì để giải quyết?”. Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận có tình trạng này, do khi quy hoạch dự án chưa đo vẽ mà chỉ ước tính số liệu. Khi triển khai đền bù giải phóng mặt bằng mới đo vẽ, trích lục dẫn tới số liệu khác nhau. Để đồng bộ, thống nhất phải lấy số liệu trích đo giải phóng mặt bằng. Tới đây, tỉnh thực hiện dự án đồng bộ hóa dữ liệu bằng phương pháp đo chụp bằng vệ tinh thì sẽ có số liệu chính xác.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn
Trích trả lời chất vấn của đồng chí Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Xử lý nghiêm các quán karaoke liên quan tới ma túy
Chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh hỏi giải pháp tham mưu cho tỉnh để công tác tu bổ, tôn tạo di tích đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh nhiều di tích xuống cấp trầm trọng?
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trong giai đoạn 2022-2025, với mục tiêu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo cấp thiết 71 di tích đã xếp hạng, ngành tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp là phấn đấu đến 2025, hoàn thành công tác tu bổ 100 di tích, ưu tiên 71 di tích xếp hạng đã xuống cấp. Tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đối với các di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, các di tích có giá trị nghệ thuật cao. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát huy giá trị di tích, trong đó đề cao vai trò của nhân dân là các chủ thể di sản văn hóa trong việc huy động các nguồn lực.
Đại biểu Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý nhà nước của ngành đối với các cơ sở kinh doanh karaoke
Trả lời chất vấn của đại biểu Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện về công tác quản lý nhà nước của ngành đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, đồng chí Nguyễn Thành Trung cung cấp thông tin tính đến tháng 10.2022, trên địa bàn tỉnh có 276 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đang hoạt động. Toàn tỉnh hiện không có hoạt động kinh doanh dịch vụ vũ trường. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp rà soát, thanh tra, kiểm tra định kỳ, thường xuyên, đột xuất nhằm hướng dẫn, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý, kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định tại Nghị định 54.
“Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác phối hợp có lúc, có nơi chưa được đồng bộ, chặt chẽ dẫn đến một số cơ sở kinh doanh chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật dẫn đến phải xử phạt, đình chỉ và thu hồi giấy phép kinh doanh”, đồng chí Nguyễn Thành Trung cho biết.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung đánh giá thời gian qua một số dịch vụ quán bar, phòng trà có hát karaoke miễn phí, không bảo đảm tiếng ồn, gây bức xúc trong nhân dân. Trường hợp này không thuộc đối tượng cấp phép theo quy định nên một số nơi lúng túng trong quản lý. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các địa phương tập trung xử lý trường hợp kinh doanh này.
Liên quan tới vấn đề này, đồng chí Bùi Quang Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết qua nắm bắt của lực lượng công an hiện có 157 cơ sở kinh doanh có điều kiện có biểu hiện nghi vấn liên quan tới ma túy. Năm 2022, lực lượng công an đã xử lý 65 cơ sở, khởi tố 99 đối tượng, xử phạt hành chính 259 đối tượng. Nhiều cơ sở không công khai hoạt động, chủ yếu hoạt động về đêm, chỉ nhận khách hàng quen. Do các chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện an ninh trật tự, nhạy cảm đều đứng tên người khác, cho thuê mượn; đối tượng sử dụng ma túy bên ngoài rồi vào cơ sở dùng nhạc tạo hưng phấn; chủ cơ sở chuyển từ kinh doanh có điều kiện sang kinh doanh không có điều kiện nên công tác xử lý gặp khó khăn. Đồng chí Bùi Quang Bình đề nghị sửa đổi bổ sung Nghị định 96, bổ sung kinh doanh quán bar, nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc mạnh vào danh mục quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngành công an, ngành văn hóa tăng cường kiểm tra, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động với cơ sở vi phạm.
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định thời gian tới sẽ tham mưu cho tỉnh giải quyết xong vướng mắc trong chính sách nhà ở với người có công
Trích giải trình của đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho người có công
Sau phần trả lời chất vấn của 2 giám đốc sở, 2 đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Giải trình nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp để cải thiện tỷ lệ giải ngân đến hết năm 2022, đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thực tiễn triển khai vẫn còn những hạn chế, khó khăn chủ yếu như một số chủ đầu tư vẫn trì trệ, chưa thực sự sâu sát trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với nhà thầu lập hồ sơ quyết toán, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân. Công tác tổ chức triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn nhiều bất cập, chưa kịp thời, còn lúng túng...
Về giải pháp khắc phục tình trạng này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư cần phải nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thực hiện dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt, bảo đảm yêu cầu về chất lượng công trình. Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, đáp ứng đầy đủ các trình tự, thủ tục thanh toán theo quy định. Tổ chức giao ban hằng ngày với nhà thầu xây dựng để thống nhất các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tập trung huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng, bảo đảm hoàn thành giải ngân vốn năm 2022 theo kế hoạch thực hiện và cam kết giải ngân đã lập.
“Kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 và giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của đơn vị. Trường hợp không hoàn thành giải ngân theo kế hoạch lập, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân có liên quan nếu năm 2022 giải ngân không hết 100% kế hoạch vốn thanh toán”, đồng chí Nguyễn Minh Hùng đề xuất.
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình làm rõ giải pháp để cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
Giải trình làm rõ một số vướng mắc trong xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết hiện toàn tỉnh còn 634 căn nhà của người có công không thuộc danh sách đề án được phê duyệt nhưng đã xây mới, sửa chữa song chưa rõ nguồn kinh phí. Định hướng của UBND tỉnh là tham mưu cho Tỉnh ủy bố trí 2 nguồn chính hỗ trợ cho các trường hợp này từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và nguồn xã hội hóa. Tất cả các trường hợp này được hỗ trợ 100% giống như các trường hợp trong đề án. Tỉnh sẽ giải quyết bằng xong các trường hợp này trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đánh giá các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn bằng các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, vướng mắc yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục. Lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời chất vấn nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn vướng mắc, hạn chế, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến trong thời gian tới, bước đầu đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri, nhân dân trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng có phương án tham mưu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích theo đúng quy định. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét căn cứ quy định hiện hành đề xuất quy trình, thủ tục sớm xác nhận hồ sơ còn thiếu cho 634 hộ gia đình người có công đã sửa chữa, xây dựng nhưng chưa được hỗ trợ theo quy định. Quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, phối hợp với các doanh nghiệp có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng. Xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định, chính sách của nhà nước. Tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, không để giải phóng mặt bằng trở thành điểm ngẽn, chậm tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
NINH TUÂN - PHẠM TUYẾT - THÀNH CHUNG