[Video] Câu lạc bộ lân sư rồng Cẩm Đình Đường: Phát huy tinh hoa văn hóa

27/12/2020 10:11

Là câu lạc bộ lân sư rồng lớn nhất tỉnh, nhiều năm nay, Câu lạc bộ Cẩm Đình Đường (thị trấn Gia Lộc) đã nỗ lực tập luyện và quyết tâm giành giải cao tại các cuộc thi lân sư rồng chuyên nghiệp.


Câu lạc bộ Lân sư rồng Cẩm Đình Đường biểu diễn múa rồng

Đam mê

Những ngày này, trụ sở UBND xã Phương Hưng (cũ) tối nào cũng sáng đèn. Bất chấp cái rét cắt da cắt thịt, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Lân sư rồng (LSR) Cẩm Đình Đường vẫn hăng say luyện tập. Các thành viên đã nhuần nhuyễn những động tác khó như tung người nhảy lên cao, kiệu nhau, lộn người ra sau, hai người kẹp vào nhau để xoay lộn, lăn tròn...

Thay thế cho dàn âm thanh hoành tráng của những lần biểu diễn thật, các thành viên chồng hai lốp xe lên nhau làm trống và vỗ tay thay cho tiếng xõa trong khi tập luyện để hạn chế ảnh hưởng đến người dân khu vực xung quanh. CLB quyết tâm giành giải cao trong nội dung Địa bửu tham gia Giải LSR toàn quốc 2020 - Ngày hội Lân Huế 2020 do Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức vào cuối tháng 12 năm nay.

Tập khoảng 1 giờ đồng hồ, ai cũng mướt mát mồ hôi mới nghỉ tay uống nước và hào hứng bàn về chuyến đi sắp tới sẽ gặp các đội mạnh nào, khi thi đấu cần chú ý những gì để không bị trừ điểm…

Anh Phạm Đắc Long, một thành viên trong đội chia sẻ: “Đội tập ròng rã 2 tháng nay để đấu giải. Ban giám khảo chấm theo luật thi đấu quốc tế, dựa trên độ khó của bài biểu diễn, tiếng trống nhịp và nội dung, ý tưởng trong mỗi phần thi. Bài diễn dài hơn vài giây so với quy định thời gian tối đa, hay các thành viên chỉ cần trượt chân trong khi thực hiện động tác khó là bị trừ rất nhiều điểm, ảnh hưởng ngay đến kết quả”.

Anh Trần Khoa Dương, Trưởng đoàn đi thi đấu lần này cho biết: “Muốn ghi danh LSR Hải Dương vào phong trào phát triển LSR toàn quốc nên CLB mới quyết định tham gia các giải lớn. Tập vất vả, đi thi đấu lại phải tự bỏ tiền túi chi phí đi lại, ăn uống, lưu trú… nếu không có đam mê không thể làm được”.

CLB được thành lập năm 2013 từ đội LSR của các khu phố Giỗ, Đồng Tâm, Đỗ Quang... ở thị trấn Gia Lộc hợp lại, do các thành viên Đỗ Văn Tú, Trần Khoa Dương, Đỗ Văn Đạt quản lý chính với khoảng 50-80thành viên, tùy thời điểm. Đến nay, đây là CLB LSR lớn nhất tỉnh, các thành viên từ 16-24 tuổi, là học sinh, sinh viên, người đi làm, chủ yếu là người chưa có gia đình. Sau khi hợp nhất, CLB tập luyện, cao điểm vào trước Tết Trung thu hằng tháng liền, không chỉ phục vụ người dân mà còn phục vụ tại các đám cưới hỏi, tân gia, khai trương, động thổ...

Từ những điệu múa đơn giản chỉ di chuyển, rung lắc lân, rồng ở thời điểm mới thành lập, các thành viên đã tìm hiểu trên mạng, giao lưu với các CLB LSR trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu luật thi đấu quốc gia, quốc tế để tập trung rèn luyện, mài giũa kỹ năng, mang lại cho khán giả những phần trình diễn đẹp mắt nhất.

Trái ngọt

Những năm qua, CLB thường xuyên mua bổ sung rồng, lân, trang phục, dàn âm thanh để phục vụ khán giả được tốt nhất. Tiền mua sắm đạo cụ trích từ quỹ của CLB, quỹ được góp từ số tiền do khách hàng thanh toán sau khi đã trừ đi tiền công các thành viên cho mỗi show diễn. Đến nay, CLB có 6 lân, 4 rồng, 65 bộ trang phục biểu diễn và dàn âm thanh tương đối đầy đủ gồm trống, chiêng, xõa, mõ, chuông gió, sáo... tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng.

CLB cũng thường xuyên tham gia giao lưu múa LSR với các đội trong và ngoài tỉnh. CLB đã mang đến Liên hoan lân rồng huyện Gia Lộc năm 2019 tại lễ hội đền Quát tiết mục "Lân cửu kê dậu vượt Ngũ Hành Sơn", tiết mục mai hoa thung duy nhất của liên hoan làm đông đảo khán giả trầm trồ hưởng ứng. Mai hoa thung là màn trình diễn đòi hỏi kỹ thuật khó nhất trong nghệ thuật biểu diễn LSR, những người thực hiện phải biểu diễn trên dàn cột có độ cao từ 1,2 m trở lên. Đây cũng là tiết mục thường thấy trong biểu diễn và thi đấu LSR quốc tế. Để thực hiện thành công các tiết mục này, các thành viên phải luyện tập hàng năm trời trên các cột cao từ 1,2-1,75 m để phối hợp nhuần nhuyễn các kỹ thuật khó như tung người nhảy lên cao, kiệu nhau... thể hiện chuyển động khi mạnh mẽ, lúc nhịp nhàng của con lân. "Cách đây 3 năm tôi bị ngã gẫy tay khi luyện tập múa đầu lân trên cột cao nhất 1,75 m. Đam mê ngấm vào máu rồi nên sau khi tay lành hẳn tôi vẫn tham gia tập luyện và thi đấu cùng đội đến nay", thành viên Đỗ Thế Hoàng Long, 20 tuổi kể.

Vượt ra khỏi lũy tre làng, tháng10 vừa qua CLB đã đăng ký tham gia Giải vô địch các CLB LSR quốc gia lần thứI năm 2020 tại TP Hải Phòng với nội dung múa rồng truyền thống. Giải thu hút 19 CLB LSR trong cả nước trong đó có nhiều đội mạnh đến từ các tỉnh Quảng Nam, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Quảng Ninh... "Sau khi thi xong, nghe Ban giám khảo thông báo không phạm lỗi chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm. Kết quả nhận được huy chương vàng cả đội đều rất vui, bao công sức đã được đền đáp", anh Tú chia sẻ.

Nhờ đam mê, nỗ lực theo đuổi nghệ thuật, CLB LSR Cẩm Đình Đường đã bước đầu tạo dấu ấn trong những cuộc thi LSR cấp quốc gia, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc.

Xem clip

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Câu lạc bộ lân sư rồng Cẩm Đình Đường: Phát huy tinh hoa văn hóa