Mặc dù là võ tướng tài năng nhưng Trần Khánh Dư lại bị sử sách phê phán bởi tính cách của mình.
Đền Gốm (phường Cổ Thành, TP Chí Linh) thờ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư
Trần Khánh Dư là một danh tướng Đại Việt cuối thời nhà Trần. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba. Mặc dù là võ tướng tài năng nhưng Trần Khánh Dư lại bị sử sách phê phán bởi tính cách của mình.
Vị tướng lắm tài...
Trần Khánh Dư là con trai của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, hiệu là Nhân Huệ vương, quê ở Chí Linh. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 42 ghi: “Lần trước, quân Nguyên vào cướp nước ta, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử Nghĩa Nam. Sau đó, đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu Kỵ Đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ tướng quân nếu không phải là hoàng tử thì không được phong nhưng vì Khánh Dư là con nuôi của vua cho nên mới có lệnh đó. Ông được vua quý mến, rồi từ trật hầu thăng mãi đến Tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ”.
Nhưng sau vì tội thông dâm với công chúa Thiên Thụy là con gái của vua Trần Thánh Tông, vợ của Trần Quốc Nghiễn (con trai danh tướng Trần Quốc Tuấn), Trần Khánh Dư bị mất chức và tịch thu hết tài sản. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lại dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu, đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì”. Trần Khánh Dư phải lui về Chí Linh làm nghề bán than.
Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282), nhà Nguyên đem quân sang nước ta. Vua Trần tổ chức cuộc họp vương hầu trăm quan để bàn kế đánh giặc tại Bình Than. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 7, mặt khắc 27 ghi: “Lúc ấy Khánh Dư chở thuyền qua bến Bình Than, người chân sào đều đội nón cói, mặc áo cánh bằng vải gai. Nhà vua trông thấy, trỏ vào thuyền Khánh Dư bảo với các quan hầu cận rằng: Người kia chả phải Nhân Huệ vương đấy ư? Nói xong liền cho quân sĩ bơi chiếc thuyền nhỏ đuổi theo. Khi quân sĩ theo kịp, hô lên rằng: Có mệnh lệnh vua cho triệu ông đấy! Khánh Dư nói: Lão già này là người bán than, có việc chi mà vua triệu? Quân sĩ đem câu nói ấy về tâu. Nhà vua nói: Đúng là Nhân Huệ vương rồi, người thường chắc không dám nói thế. Lại sai nội thị đến triệu. Khi Khánh Dư đến, mặc áo cánh bằng vải gai và đội nón cói vào yết kiến. Nhà vua nói: Không ngờ người nam nhi như thế mà lưu lạc đến như thế?, liền hạ chiếu tha tội cho. Khánh Dư tiến lên thuyền vua vái tạ. Vua ban cho áo của vua thường mặc và cho ngồi ở dưới hàng các tước vương. Những lời nghị luận của Khánh Dư đều hợp ý vua”. Trần Khánh Dư lúc này được phong làm Phó đô tướng quân.
Khi Ô Mã Nhi đem quân ra cửa biển Đại Bàng đón thuyền tải lương của Văn Hổ, Trần Khánh Dư đánh nhau với giặc bị thua. Thượng hoàng nghe tin ấy liền sai người bắt giải về kinh. Nhưng ông liệu biết quân giặc đã qua, thuyền lương tất theo sau nên nói với trung sứ xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội sau. Chẳng bao lâu thuyền lương quả nhiên đến, Trần Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được rất nhiều tù binh, quân lương và khí giới.
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi về thân thế con người Trần Khánh Dư
... nhưng cũng nhiều tật
Lập công lớn, Trần Khánh Dư được tha tội, nhưng rốt cuộc cũng không sửa đổi được những lỗi lầm cũ. Khi trấn giữ Vân Đồn, duyệt quân ở các trang ông ra lệnh: Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi, ai trái lệnh tất phải phạt. Nhưng trước đó, ông đã sai người nhà mua nón rồi chở đến đậu trong cảng để chờ sau đó bán cho dân. Ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng nghìn tấm. Một người khách phương Bắc làm thơ có câu: “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (có nghĩa: gà, chó ở Vân Đồn cũng đều sợ) ý nói sợ phục uy danh của Trần Khánh Dư mà thực là châm biếm ngầm.
Năm thứ tư niên hiệu Hưng Long, Trần Khánh Dư vào triều. Người ở trấn báo cáo rằng ông là quan tham nên quan Hành khiển đem việc ấy tâu vua. Ông tâu lại rằng: “Làm tướng cũng như con chim ưng, còn quân dân như con vịt, lấy con vịt nuôi chim ưng, có gì là lạ đâu”. Vua cho về trấn cũ, trải qua đời Minh Tông thì mất.
Sau khi Trần Khánh Dư qua đời, nhớ đến công lao của ông trong việc đánh giặc cứu nước, người dân Hải Dương đã lập đền thờ ông ở xã Linh Giang, huyện Chí Linh (nay thuộc phường Cổ Thành, TP Chí Linh).
Có thể nói, Trần Khánh Dư là người mưu lược, có tài dùng binh, uyên thâm văn sử nhưng vì hay tư lợi cá nhân nên ông không được nể phục. Sau này, vua Tự Đức đã làm bài thơ ngự chế vịnh về Trần Khánh Dư: “Than bán xong rồi, bán nón ta/ Nuôi ưng lấy vịt ví không ngoa/Vân Đồn gả chó đừng thầm nhạo/Tham trá ngày xưa có được a?”.
THƠM QUANG