Vị tướng 'chủ công' phá tan 'cánh cửa thép' Xuân Lộc

29/03/2015 08:12

Ông Lê Nam Phong kể lại: “Đó là một ngày cuối tháng 3-1975, sau khi giải phóng Lâm Đồng, đơn vị chúng tôi được lệnh quay về xuôi. ...

Lúc đầu, tôi không phán đoán được ý đồ chiến lược, sau đó mới biết thần tốc về xuôi là để tham gia trận đánh quan trọng vào "cánh cửa thép" Xuân Lộc (thị xã Long Khánh, Đồng Nai hiện nay)”.


Lúc này, để giữ Xuân Lộc và bảo vệ Sài Gòn, chính quyền Mỹ ngụy đã bố trí Sư đoàn 18 bộ binh, Lữ đoàn 1 dù, Liên đoàn 3 biệt động quân... với khoảng 12.000 quân để trấn giữ, cùng với những phương tiện chiến tranh mạnh nhất. Chúng muốn biến Xuân Lộc thành nơi "tử thủ" để bảo vệ Sài Gòn.

Để phá vỡ phòng tuyến trên, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ chỉ huy chiến dịch của quân ta tập trung quân về đây, lúc này có Sư đoàn 1, Sư đoàn 7, Trung đoàn độc lập 95B, Sư đoàn 6, các lực lượng vũ trang của địa phương... “Ngày 9/4, chúng tôi bắt đầu đánh vào Xuân Lộc. Tuy nhiên, do đánh giá chưa đúng tương quan lực lượng, bởi khi đó tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch được tăng cường viện binh, đánh trả quyết liệt, nên quân ta không hoàn thành được mục tiêu đề ra ngay trong 3 ngày đầu chiến dịch. Đứng trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thay đổi cách đánh mới là đánh tỉa, chia cắt và cô lập lực lượng quân địch”, trung tướng Lê Nam Phong kể.


Mặc dù gần 90 tuổi nhưng ông Nam Phong vẫn nhớ những trận chiến làm nên lịch sử của quân đội Việt Nam.


“Sau khi  nhận lệnh thực hiện cách đánh mới, các chiến sỹ Sư đoàn 7 đã phối hợp với nhiều lực lượng đánh vòng ngoài, chặn cắt các ngả đường tiếp tế, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, đập tan toàn bộ các đợt phản kích của quân địch. Rạng sáng 21/4, lực lượng còn lại của quân đội Sài Gòn tháo chạy, Xuân Lộc được giải phóng, tạo đà cho đại quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn”, Trung tướng Lê Nam Phong bồi hồi nhớ lại.


Trung tướng Lê Nam Phong tên thật Lê Hoàng Thống, sinh ngày 19/5/1927. Ông nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 1, Tham mưu phó mặt trận 719, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Tư lệnh Sư đoàn 7, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2...

Ngay sau khi mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc, đơn vị của trung tướng Lê Nam Phong lại nhận lệnh tổ chức lực lượng thọc sâu vào nội đô Sài Gòn với nhiệm vụ đánh chiếm quận 1, Đài Phát thanh ngụy, Nha cảnh sát và Dinh Độc Lập.

“Khi họp bàn chiến dịch Tổng tiến công Sài Gòn năm 1975,  Phó tư lệnh Lê Trọng Tấn đã giao nhiệm vụ: Đơn vị nào vào nội đô Sài Gòn trước sẽ có nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập để thông báo cho toàn thể mọi người biết quân ta đã giải phóng Sài Gòn. Vì vậy, 5 cánh quân của ta từ 5 hướng khác nhau đã thần tốc tiến vào Sài Gòn làm nhiệm vụ cao cả trên”, trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại.


Thế nhưng, trên đường thần tốc tiến vào Sài Gòn, cánh quân phía Đông của trung tướng Lê Nam Phong đã bị chậm hơn cánh quân khác do gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân ngụy tại cửa ngõ Thủ Đức và phải đi đường vòng vì cầu Ghềnh (Đồng Nai) quá hẹp, xe tăng không qua được.


“Khi vào gần tới nội đô Sài Gòn, chúng tôi gặp cảnh người dân hai bên đường ùa ra đường reo hò. Nhận thấy đã chậm thời gian cắm cờ tại Dinh Độc Lập, tôi liền giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị cho Phó Chính ủy Nguyễn Văn Thái, rồi cầm cờ bỏ xe bọc thép leo lên xe máy cùng một anh chiến sỹ chạy thẳng vào nội đô. Đến cầu Thị Nghè thì được tin Quân đoàn 2 đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30.

“Có mặt tại Dinh Dộc Lập đúng 12 giờ, nhìn dòng người reo hò, ôm lấy nhau mừng chiến thắng, tôi không nói được thành lời. Lúc đó chỉ nghĩ những ngày chiến đấu gian khổ của toàn dân, toàn quân ta đã được đền đáp. Từ đây, đất nước mình sẽ có thống nhất, có hòa bình”, ông cho biết. 


H. Tuyết - Đ. Phương(Tin tức)


(0) Bình luận
Vị tướng 'chủ công' phá tan 'cánh cửa thép' Xuân Lộc