Nhà thơ nữ mộng tưởng được ăn tối bên người đồng nghiệp Nguyễn Quang Thiều' khi sáng tác bài thơ tặng ông trong tập thơ mới 'Phim đôi - tình tự chậm'. Cô trò chia sẻ về tình yêu điện ảnh và ý tưởng làm 'thơ điện ảnh'.
- Ý tưởng nào ẩn đằng sau cái tên "Phim đôi - Tình tự chậm"?
- Phim đôi - Tình tự chậm được thiết kế như một cuốn phim đen trắng, bởi vì đó là hai sắc màu cơ bản của các sắc màu. Đối với dân điện ảnh nhà nghề, làm phim và ảnh đen trắng khó hơn phim và ảnh màu. Phim ảnh màu có thể thể hiện cảm xúc qua màu sắc, trong khi phim đen trắng cần có góc cạnh. Màu đen trắng còn gợi tính hồi tưởng. Ở “bộ phim” này, tôi không thu hút nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hợp tác với mình để tìm kiếm sự ăn khách, mà tôi muốn một sự liên tài, muốn tạo nên một kỷ niệm đẹp giữa các nghệ sĩ với nhau. Có thể tự tin mà nói, ít ai làm được"thơ điện ảnh" giống như tôi.
- Tại sao chị lại có ý định làm một tập thơ điện ảnh?
- Tôi mê điện ảnh. Bố tôi là một đạo diễn và sau văn học thì thứ tôi “nghiện nặng” chính là điện ảnh. Từ bé tôi đã theo bố đến Hội Điện ảnh xem phim. Khi thi đại học, tôi nộp đơn vào cả khoa Biên kịch trường Sân khấu điện ảnh, nhưng cuối cùng tôi lại chọn trường báo chí.
Nhà thơ Vi Thùy Linh và cuốn Phim đôi - Tình tự chậm, phía trước cuốn sách là mảnh vàng dùng để tán ra lấy bột khắc nhũ lên bìa sách và các bức tranh minh họa bên trong. Tác phẩm được chính tác giả khẳng định là cuốn thơ "đẹp nhất Việt Nam" hiện nay. Ảnh: Phạm Huy Thông |
- Tình yêu đó tác động đến chị như thế nào?
- Chính vì yêu điện ảnh, từ bé, tôi đã có tư duy hình ảnh. Nếu tôi nói đến Paris, trong đầu lập tức hiện lên hình ảnh Paris. Tư duy hình ảnh đã trở thành một căn tính. Tôi làm thơ điện ảnh chính vì điều đó.
Thơ hiện đại không giải quyết các trạng thái tình cảm bằng tính từ, bởi vì khi dịch ra ngôn ngữ khác, sức gợi của tính từ khó đọng lại, trong khi đó, hình ảnh hoàn toàn có thể lưu giữ. Sức mạnh của ngôn ngữ hình ảnh là không biên giới. Chẳng hạn, tôi đã viết câu thơ “Đại lộ dài như một cơn hôn” trong bài Hôn Việt Trì để mô tả đại lộ Hùng Vương ở thành phố này. Ai biết được một cơn hôn dài đến thế nào?
- Tính điện ảnh thể hiện qua tập thơ ra sao?
- Phần một của tập thơ là 10 bài trong tập Khát và Linh, được xem như phần phim hồi tưởng. Phần hai là những bài thơ được viết năm 2010. Toàn bộ tập thơ được sắp xếp như một bộ phim, mỗi bài thơ là một cảnh phim. Ở đó tôi là nhân vật chính, người đã yêu, đã tiếc nuối, hờn giận, nhớ thương, ước mơ, níu giữ, tôi đi tìm những vẻ đẹp đã mất và những vẻ đẹp sắp mất. Tiếc nuối không có nghĩa muốn trở về quá khứ, nhưng đối với tôi, những gì đã mất là những gì đẹp nhất. Cái Tết ngày xưa đẹp hơn cái Tết bây giờ, que kem thời ấu thơ ngon hơn que kem bây giờ. Nhưng xã hội vẫn phải tiến lên. Tôi chỉ muốn chúng ta tiến lên nhưng đừng đánh mất những gì đẹp đẽ. Đó là cách để “tình tự chậm”, “yêu chậm”. “Tình tự” trong tôi nghĩa là “yêu”.
“Bộ phim” sẽ không có hồi kết, nó sẽ còn tiếp tục bởi có bao giờ tôi ngừng yêu và lãng mạn đâu.
Trong Phim đôi - Tình tự chậm, Vi Thùy Linh mời 8 họa sĩ nổi tiếng của hội họa đương đại Việt Nam, trong đó có Lê Thiết Cương, Nguyễn Thị Hiền, Đào Anh Khánh, Đào Hải Phong... vẽ tranh minh họa |
- Trong tập thơ của chị, tên các bài thơ đều được dịch sang tiếng Anh. Tại sao không phải là tập thơ song ngữ Việt - Anh hẳn?
- Tôi cũng phải thú thật là vừa rồi làm sách, chi phí in ấn đắt quá nên mới chỉ có thể dịch tên bài thơ thôi. Thực ra tôi cũng từng làm song ngữ rồi, ViLi in love là song ngữ Việt - Anh, Đồng tử là song ngữ Việt Pháp.
Sau đây, nếu lần đầu xuất bản thành công, tôi sẽ tái bản Phim đôi - tình tự chậm và lần này sẽ là song ngữ Việt - Anh.
Tuy nhiên, tôi nghĩ tập thơ này vẫn có tính quốc tế. Tập thơ có quá nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Có thể đối tượng không yêu thơ mà chỉ yêu hội họa thôi, mua tập thơ này vẫn có “lãi” (Cười). Tập thơ là một giai phẩm theo tôi là hoàn mỹ.
- Trong tập thơ này có bài thơ "Bữa tối với Nguyễn Quang Thiều". Ý tưởng của chị khi sáng tác bài thơ này?
- Đến giờ phút này phải nói thật là tôi chưa từng ngồi ăn tối cùng Nguyễn Quang Thiều bao giờ, có chăng mới chỉ là ăn trưa thôi. Tôi có thể viết về Paris khi còn chưa đến Paris thì sao lại không thể viết về bữa tối ở một nhà hàng Pháp với Nguyễn Quang Thiều ngay cả khi điều đó chưa từng xảy ra.
- Nhưng tại sao lại là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều?
- Tôi nghĩ rằng đó là nhà thơ đáng đọc nhất của nền thơ ca đương đại Việt Nam. Ông có từ trường rất mạnh. Tôi không chịu ảnh hưởng của ông nhưng tôi biết có rất nhiều người làm thơ, không chỉ những người mới vào nghề mà kể cả những người kỳ cựu, cũng chịu ảnh hưởng từ ông hay bắt chước ông.
Nguyễn Quang Thiều là một tài năng đa dạng, ông không chỉ làm thơ mà còn viết văn xuôi, viết báo, kịch bản phim. Đây là con người chứa đựng hai đối cực: cực kỳ bí ẩn, khó hiểu nhưng lại rất hấp dẫn. Ông là con người rất hiện đại nhưng lại luôn “tình tự” làng quê của mình. Tôi nghĩ là không ai viết về quê hương mình hay hơn Nguyễn Quang Thiều viết về làng Chùa. Đó là tình yêu sâu thẳm, đớn đau và thành kính. Chỉ có ông mới làm được như vậy. Thơ ông nóng bỏng, thiêng liêng, trong đó có cả niềm tin và nỗi sợ, là những vần thơ của một con người biết yêu, biết sống. Tôi tin rằng mình có thể là “duo” được với Nguyễn Quang Thiều về cảm thức yêu đương này.
Khi viết về “Bữa tối với Nguyễn Quang Thiều”, hàm ý của tôi không phải là một bữa ăn cơ học mà đối với tôi, ăn uống cũng là một sinh thú. Không phải bạn ăn cái gì mà là ăn ở đâu và ngồi với ai. Tôi và Nguyễn Quang Thiều, chỉ có dự tiệc đứng thôi chứ chưa từng ăn tối “tay đôi”, bởi vì nhà ông ở tận Hà Đông, cứ hết giờ làm việc là ông lại trở về nhà. Nhiều người mơ ước được ăn tối với ông, tôi cũng vậy, chúng tôi có nhiều điều tương thích, có thể thấu hiểu nhau. Bữa tối đối với tôi là một dịp thư giãn, một cái cớ để người ta ngồi lại với nhau. Tôi thích một bữa ăn kiểu Pháp kéo dài để người ta có thể trò chuyện. Chúng ta ăn không gian, ăn sự vui sướng khi được ngồi bên nhau.
Nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh thổi tặng Vi Thùy Linh bản nhạc Trái tim và nhà thơ sáng tác dành riêng cho cô trong đêm ra mắt cuốn thơ mới hôm 10-1 |
- Dự định của Vi Thùy Linh trong tương lai?
- Tôi có một ước vọng, muốn trở thành một nữ đạo diễn. Tôi tự tin có năng khiếu xem phim và khá am hiểu điện ảnh, đọc rất nhiều sách chuyên môn. Có thể tôi sẽ viết kịch bản trong năm nay.
Khi về già có thể tôi sẽ vẽ tranh. Hy vọng lúc đó năng khiếu sẽ phát lộ, ông nội và chú ruột của tôi là họa sĩ. Hiện tại, mặc dù rất say mê hội họa nhưng tôi vẫn chưa phát lộ chút năng khiếu nào cả.
Tối 10-1, Vi Thùy Linh tổ chức đêm trình diễn thơ, âm nhạc, nghệ thuật đương đại triển lãm tranh “Phim đôi - Tình tự chậm” tại Không gian Sáng tạo Trung Nguyên, 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội, nhân ra mắt tập thơ cùng tên.
Xuất hiện trên sân khấu là “chủ xị” Vi Thùy Linh cùng ca sĩ Tấn Minh, nhạc sĩ Đỗ Bảo, nghệ sĩ trình diễn Đào Anh Khánh, nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh, nhạc công violin Lê Tuấn Anh. Chương trình do họa sĩ Lê Thiết Cương dàn dựng. Gần 600 khách mời đã có mặt, trong đó có nhiều bạn bè thân thiết khác của cô như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Đào Bá Sơn… Tại buổi ra mắt, nghệ sĩ Quyền Văn Minh cũng trình diễn bản nhạc Trái tim và nhà thơ do ông sáng tác tặng riêng cho Vi Thùy Linh.
(Nguồn: VnExpress)