Tại đền Cả, làng Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) hơn tám trăm nămnay tôn thờ một vị thần có tước hiệu là Hà Gia Trinh Liệt Đại Vương -dân gian thường gọi là Vua Bà.
|
Lễ tế thành hoàng làng Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa |
Theo thần tích, thì Vua Bà có tên thật là Hà Thị Nguyệt Quỳnh, là con gái duy nhất của quan Thái úy Hà Ư, dưới thời vua Lý Nhân Tông.
Thái úy Hà Ư, vì muộn sinh con, nên đã xin từ quan, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thuận về quê hương Thì Ung trang, tức là làng Ngọc Hòa ngày nay sinh sống. Ông bà ngày đêm tu tâm tích đức, làm nhiều việc thiện, như cung tiến tiền bạc xây chùa, đúc chuông, bắc cầu... đồng thời còn mở trường dạy chữ, dạy dân trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa... chỉ với một mong ước là sinh được một người con, dù trai hay gái cho trọn đạo hiếu với tổ tông.
Dường như trời không nỡ phụ lòng người nhân đức, giờ sửu, ngày mồng sáu - tháng giêng - năm Canh Thìn (năm 1100), quan bà đã sinh hạ được một người con gái.
Tương truyền rằng: Lúc mang thai, quan bà mơ thấy ánh trăng soi, khi vượt cạn thì trên mái nhà có đám mây hồng che phủ; trong phòng sực nức hương lan quế. Người con gái vị quan Thái úy khi mới được sinh ra đã khôi ngô xinh đẹp khác thường. Ghi lại sự kiện ấy, người xưa đã viết: "Khích ánh tường trình, lan quế hương danh, hồng vân phú ốc, thánh nữ ứng sinh, tuyết sương băng ngọc, chính trực thông minh"... (trích văn tế thần).
Với niềm vui khôn xiết, quan ông đã đặt tên cho con là Nguyệt Quỳnh.
Được cha mẹ nuôi, dạy chu đáo, nàng Nguyệt Quỳnh càng lớn càng xinh đẹp, nết na, thùy mị và cũng tinh anh khác thường, nổi tiếng gần xa.
Vào độ tuổi trăng tròn, nàng Nguyệt Quỳnh đã lọt vào mắt xanh của Hoàng tử Thành Khánh hầu nhân lúc ngài dẫn quân tuần thú qua đất Thì Ung. Hoàng tử đã ngỏ lời xin đưa nàng về Kinh đô làm vợ.
Gần một chục năm sống tại kinh thành Thăng Long, nàng Nguyệt Quỳnh đã tỏ rõ là một người vợ đảm đang, chung thủy, nhất là khi chồng thường phải đi chinh chiến nơi xa. Nàng cũng thể hiện là một thần dân trung nghĩa, một nàng dâu hiếu thuận, một người phụ nữ kiểu mẫu của thời đại.Năm 1124, đất nước có thủy tặc, "Vua đặc sai Hoàng tử thân xuất tướng sĩ đi đánh dẹp. Chẳng may Hoàng tử tử trận. Quan quân đưa thi hài Ngài về kinh đô. Trong tận cùng thương đau, nàng Nguyệt Quỳnh đã nêu cao khí tiết với Hoàng tử, nhất định đập đầu chết theo" (trích thần tích làng Ngọc Hòa).
Cảm phục trước cái chết lẫm liệt đó, Vua Lý Nhân Tông đã đặc biệt ghi nhận nàng là người đàn bà trinh liệt, ban tặng tên húy hai chữ "Công Chủ" ( - cũng đọc là Công Chúa, nghĩa là: Ngài là Chủ, là Chúa chung một vùng); phong làm Phúc thần của làng; đồng thời ban cho ngài tước Hà Gia Trinh Liệt Đại Vương. Nhà Vua cũng sai rước thi hài người phụ nữ trinh liệt ấy về quê hương an táng tại xứ Đồng Soi, giao cho dân Thì Ung trang lập miếu thờ tự.
Nàng Nguyệt Quỳnh được ghi nhận là người đàn bà trinh liệt, được phong là phúc thần, phản ánh nhu cầu đạo đức của xã hội phong kiến tập quyền đang lên, trong một đất nước mới tái lập nền độc lập, thường xuyên phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Theo nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong sách Đại Việt Sử ký toàn thư thì riêng thời vua Lý Nhân Tông (1072-1128), đất nước ta đã phải tiến hành 8 cuộc chiến tranh, chống giặc Tống, giặc Chiêm Thành và các thế lực cát cứ trong nước. Lúc đó, các hoàng tử thường phải làm tướng cầm quân ra trận.
Tương truyền, vị thần làng Ngọc Hòa rất linh thiêng, thường ngầm "Hộ quốc bảo dân, hoãn hạn trừ tai, tôn phù xã tắc, củng cố quốc gia..." nên Ngài đã được nhân dân tôn sùng, mến mộ, cung kính thờ phụng; được các vị vua từ thời đại nhà Lý đến thời đại nhà Nguyễn ban 29 sắc phong, đánh giá và ca ngợi công đức của Ngài, nêu gương cho mọi người học tập.
NGUYỄN NGỌC ẢNH