Vì sao y tế và BOT không được chọn để chất vấn?

09/11/2017 14:30

Lĩnh vực y tế có 18 đoàn đại biểu Quốc hội yêu cầu chất vấn, BOT có 11 đoàn, nhưng không được chọn cho phiên chất vấn tại kỳ họp này. Vì sao?

Vì sao y tế và BOT không được chọn để chất vấn? - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh: VIỄN SỰ

Trả lời câu hỏi này trong cuộc họp báo nhanh tại trung tâm báo chí Quốc hội sáng 9.11, tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:

"Có một số đoàn đề nghị trao đổi vấn đề y tế, nhưng như chúng ta biết là bộ trưởng Bộ Y tế vừa trả lời tại kỳ họp thứ 3 và Quốc hội đã có nghị quyết về các vấn đề khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý giá thuốc, tái cơ cấu ngành y tế... Vì thế chúng ta phải dành thời gian cho bộ trưởng và ngành y tế thực hiện, trong khi cũng còn nhiều vấn đề bức xúc khác".

Trong quá trình chất vấn, nếu có vấn đề liên quan đến ngành y tế thì bộ trưởng Bộ Y tế sẽ trả lời chất vấn thêm, không phải không có trong danh sách chất vấn thì bộ trưởng không trả lời, ông Hạnh Phúc cho biết.

Với vấn đề BOT, theo tổng thư ký Quốc hội, đã có đoàn giám sát chuyên đề và có nghị quyết về vấn đề này, bộ Giao thông vận tải đang triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

"Bộ trưởng cũng mới nhậm chức được mấy hôm nên để thời gian cho bộ trưởng giải quyết các việc trước mắt của ngành", ông Hạnh Phúc nói.

Năm 2018 sẽ lấy phiếu tín nhiệm

Trả lời câu hỏi về giám sát việc thực hiện các lời hứa của thành viên Chính phủ sau chất vấn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Sau khi chất vấn có nghị quyết và có các ủy ban để giám sát và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp 2018. Chúng tôi sẽ bố trì thời gian để báo chí theo dõi Quốc hội giám sát Chính phủ thực hiện lời hứa. 

Đồng thời, năm 2018 sẽ lấy phiếu tín nhiệm và Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện các vấn đề mà thành viên Chính phủ đã hứa qua chất vấn. Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ giải trình làm rõ những nội dung mà ngành mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Và tinh thần là Quốc hội sẽ giám sát đến cùng".

* Lấy phiếu tín nhiệm năm 2018, Quốc hội có thay đổi việc lấy phiếu tín nhiệm theo 2 mức tín nhiệm cao, thấp, hay là vẫn 3 mức như trước đây? Nếu có tư lệnh ngành không hoàn thành nhiệm vụ thì Quốc hội có tính đến việc thực hiện bãi miễn?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tất cả phải thực theo nghị quyết của Quốc hội. Sau khi có kết quả tín nhiệm do Quốc hội bầu và phê chuẩn thì mới xét đến. Những người được Quốc hội phê chuẩn mà qua lấy phiếu không hoàn thành thì đương nhiên xử lý.

Vì sao y tế và BOT không được chọn để chất vấn? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng NN Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình sẽ trả lời chất vấn

4 tư lệnh ngành đăng đàn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời chất vấn về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sẽ nói việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được Nhà nước xử lý và giải pháp an toàn, hiệu quả cho hệ thống ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn sẽ đăng đàn về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội. 

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ trả lời về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính; nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ngành tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm rõ thêm các vấn đề đã được các thành viên Chính phủ trên trả lời và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo chương trình, phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 16 đến 18-11, được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

VIỄN SỰ (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Vì sao y tế và BOT không được chọn để chất vấn?