Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu tên lửa, vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên thất bại có thể do tên lửa đẩy Ngân Hà - 3 sử dụng công nghệ lạc hậu...
Người dân Hàn Quốc theo dõi trực tiếp vụ phóng tên lửa của Triều Tiên qua truyền hình sáng 13-4
Trưa 13-4, Hãng thông tấn CHDCND Triều Tiên KCNA phát đi bản tin thừa nhận, vụ phóng tên lửa Ngân Hà - 3 lúc 7 giờ 39 (giờ địa phương) cùng ngày đã thất bại khi không đưa được vệ tinh Quang Minh Tinh - 3 lên quỹ đạo.
Công nghệ tên đẩy lửa lạc hậu?Đài Phượng Hoàng của Hồng Kông (Trung Quốc) trưa 13-4 dẫn nguồn các kỹ sư tên lửa giấu tên của Triều Tiên cho biết, sự cố có thể nằm ở hệ thống đẩy và hệ thống định vị của tên lửa đẩy. Trong khi đó, nhà khoa học công nghệ vũ trụ người Pháp Christian Lardier, đang có mặt tại Bình Nhưỡng theo dõi vụ phóng cho rằng, tên lửa nhiều tầng này không đưa được vệ tinh lên quỹ đạo là do hỏng phần chính phóng tên lửa và hệ thống dẫn đường. “Nếu phần phóng hỏng hóc, tên lửa sẽ nổ tung. Nếu hệ thống dẫn đường hỏng, đường đi bị lệch và cơ chế tự hủy sẽ được kích hoạt”, ông Lardier phân tích. Nhà phân tích quân sự của Nhật Bản Chiaki Akimoto cho rằng, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không thành công có thể do nguyên nhân từ tầng thứ hai của tên lửa. Theo chuyên gia Akimoto, tầng thứ hai của tên lửa được cho là sử dụng công nghệ tên lửa 1 tầng scud của Liên Xô từ những thập niên 50 của thế kỷ trước. Từ trục trặc này khiến tầng thứ nhất và tầng thứ hai không thể tách khỏi nhau theo tính toán của các kỹ sư thiết kế.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc biết, nước này đã theo dõi quỹ đạo bay của tên lửa Triều Tiên. Ngay khi tên lửa được phóng đi, chính phủ Hàn Quốc đã ban bố một lệnh khẩn cấp yêu cầu người dân gần khu vực biên giới với Triều Tiên xuống hầm trú ẩn để tránh bị thương nếu có mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống đất. Theo phân tích của các nhà chuyên môn Hàn Quốc, với dự tính ban đầu tên lửa được phóng lên từ phía tây Triều Tiên, theo quỹ đạo hướng xuống phía nam. Tầng thứ nhất của tên lửa sẽ rơi sau 2 phút xuống khu vực biển Hoàng Hải hoặc vùng nước giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tầng thứ hai dự kiến sẽ rơi sau 10 phút xuống ngoài khơi phía bắc đông bắc Philippines. Nếu thành công, bộ phận đẩy của tên lửa sẽ đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Tuy nhiên, AFP dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tên lửa Ngân Hà - 3 của Triều Tiên rời bệ phóng được hơn 120 km trong thời gian hơn 1 phút thì phát nổ, vỡ thành khoảng 20 mảnh và rơi xuống vùng biển cách TP Kunsan (Cun-xan) của Hàn Quốc khoảng 190 - 210 km.
Theo AFP, đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên thất bại trong nỗ lực phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh, hai lần trước vào các năm 1998 và 2009, dù ở cả hai lần đó nước này đều tuyên bố đã đưa vệ tinh lên quỹ đạo thành công.
Phản ứng của các nướcTheo AFP, ngày 13-4, Trung Quốc đã hối thúc tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế sau vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh thất bại của Triều Tiên, vụ việc đã làm dấy lên những lời chỉ trích mạnh mẽ từ phía Mỹ và các đồng minh. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói: "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan có thể giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời không có những hành động gây phương hại cho hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực".
Lúc 9 giờ cùng ngày (giờ địa phương), Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về sự kiện này. Trong cuộc điện đàm sau đó với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đồng cấp Hàn Quốc Kim Sung-hwan khẳng định, Seoul sẽ có những hành động cứng rắn trước việc Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm xa. Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ trước việc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, khẳng định sẽ yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết lên án hành động của Triều Tiên.
Cùng ngày, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết phản đối vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Nghị quyết nêu rõ: "Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là không thể chấp nhận được. Việc đe dọa tới hòa bình, ổn định của khu vực Đông Á sẽ càng làm cho Triều Tiên bị cô lập". Nghị quyết cũng kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thực thi nghiêm chỉnh tuyên bố chung của vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Theo kế hoạch, Thượng viện Nhật Bản sẽ họp phiên toàn thể vào ngày 16-4 và ra một nghị quyết tương tự lên án Triều Tiên. Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã ra lệnh cho toàn bộ các đơn vị cảnh sát địa phương thu thập thông tin về các động thái của Triều Tiên, tăng cường bảo vệ các cơ quan chính phủ như Văn phòng Thủ tướng và Bộ Ngoại giao. Tại Okinawa, các đội đặc nhiệm tiếp tục được duy trì trong trạng thái cảnh giác cao.
Ngoại trưởng Canada John Baird ngày 13-4 tuyên bố, nước này "lên án mạnh mẽ" vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ông John Baird nói: "Kiểu hành xử đó hết sức táo tợn và khiêu khích", nhấn mạnh rằng Canada "vẫn hết sức quan ngại" trước những hành động gây hấn của Triều Tiên, bao gồm các vụ thử tên lửa cũng như hoạt động phát triển vũ khí tên lửa của nước này.
Chính phủ Philippines trưa cùng ngày đã hạ mức báo động từ đỏ xuống xanh sau vụ phóng vệ tinh bất thành của Triều Tiên.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Nga trưa 13-4 nói rằng, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trước đó Moscow đã hối thúc Triều Tiên không tiến hành vụ phóng này, nhấn mạnh rằng kế hoạch đó vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bất kể với mục đích gì, đồng thời làm phức tạp các nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình đàm phán sáu bên liên quan tới chương trình hạt nhân Triều Tiên.
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)