Vải Hải Dương đang thua kém vải Bắc Giang ở hai điểm. Thứ nhất, chúng ta vẫn chưa có diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Thứ hai, chúng ta chưa làm tốt việc tìm thị trường tiêu thụ vải. Do đó, giá vải của ta thấp hơn Bắc Giang.
Thời gian gần đây, báo Bắc Giang thông tin, tỉnh này hiện có khoảng 36.900ha vải thiều, năm nay sản lượng vải đạt khoảng 120 nghìn tấn quả, gấp 5 lần sản lượng vải của Hải Dương. Tuy mất mùa về sản lượng, nhưng vải Bắc Giang bán được giá, trung bình từ 10 đến 14 nghìn đồng/kg, tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Riêng vải thiều sản xuất theo quy trình VietGap (thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam) có sản lượng khoảng 15 nghìn tấn (bằng 62,5% tổng sản lượng vải tỉnh ta), bán với giá từ 17 đến 20 nghìn đồng/kg, cao hơn 3.000 - 5.000 đồng/kg so với loại vải đẹp được trồng bình thường. Từ đầu tháng 6, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Bộ Công Thương và tỉnh Lào Cai để tìm giải pháp xuất khẩu vải thiều qua cửa khẩu Lào Cai. Các thương nhân thu mua vải thiều đã được tạo điều kiện thuận lợi về bến bãi, thủ tục hải quan, cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho vải thiều khi qua cửa khẩu. Vải Bắc Giang đã xuất khẩu thuận lợi theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.
Đọc những thông tin trên, tôi chạnh lòng nghĩ đến vải tỉnh ta. Năm nay, tỉnh ta mất mùa vải, nông dân bị thiệt hại nặng. Người trồng vải vẫn chưa hết khó khăn. Vải tỉnh ta có thương hiệu, truyền thống, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp. Nhưng thương hiệu truyền thống đó đang bị cạnh tranh dữ dội bởi một thương hiệu mới đang nổi lên - thương hiệu vải thiều Bắc Giang. Vải Hải Dương đang thua kém vải Bắc Giang ở hai điểm. Thứ nhất, trong quy trình canh tác, chúng ta vẫn chưa có diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Canh tác vải theo VietGap yêu cầu quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, rất thuận lợi tiêu thụ ở siêu thị, nhà hàng sang trọng và thị trường quốc tế. Vải VietGap là "chìa khóa vàng" để nâng cao giá trị quả vải. Thứ hai, chúng ta chưa làm tốt việc tìm thị trường tiêu thụ vải. Do đó, giá bán vải bình quân năm nay của tỉnh ta thấp hơn ở Bắc Giang.
Để nâng cao hiệu quả cho cây vải Hải Dương, ngành nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp để có một phần diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGap được duy trì thường xuyên hàng năm. Ngành công thương tăng cường hoạt động tìm "đầu ra" cho quả vải.
TUẤN NGUYÊN