Vì sao trẻ vị thành niên phạm tội?

31/03/2010 06:16

Do tác động của biến đổi xã hội và sự quản lý lỏng lẻo của gia đình và nhà trường, hiện nay, một số không nhỏ trẻ vị thành niên ở nông thôn có xu hướng sống buông thả, phạm tội…

Hiện nay, ở nông thôn, có một số không nhỏ trẻ vị thành niên có xu hướng sống buông thả, phạm tội… Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do tác động của biến đổi xã hội, do sự quản lý lỏng lẻo của gia đình và nhà trường.


Các hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên thường là trộm cắp, cướp giật, tập trung chủ yếu vào trẻ em trai. Tuy nhiên, cũng có không ít trẻ em gái tập hợp thành băng nhóm, gây sự với các bạn gái ở trong và ngoài trường bởi các lý do: nhìn “ngứa mắt”, gặp không chào, gọi không thưa,… dẫn đến gây gổ, đánh nhau để… cảnh cáo! Trẻ vị thành niên đang trong độ tuổi phát triển về cơ thể cũng như thay đổi về tâm sinh lý. Một số em đang học lớp 9, 10,… lẽ ra phải tập trung học tập tốt, vâng lời bố mẹ, quan tâm đến những người xung quanh thì lại trốn học, đi chơi với bạn khác giới. Thậm chí, có em còn rủ bạn khác giới thuê nhà trọ để "yêu"...

Để giải thích cho tình trạng này ở trẻ vị thành niên, cần xem xét các yếu tố tác động đến giới trẻ, cụ thể là yếu tố tâm sinh lý của bản thân các em, các yếu tố môi trường như gia đình, nhà trường, xã hội, trình độ văn hoá… Về yếu tố tâm sinh lý: trẻ vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nhân cách. Vì vậy, các em thường thích khẳng định bản thân, thích khám phá, ưa mạo hiểm, hiếu thắng, thích kết bạn, tập hợp thành bè, nhóm. Về môi trường gia đình: Ở một số gia đình, bố mẹ nuông chiều con quá mức, cung cấp tiền cho con tiêu xài, ăn chơi mà không kiểm soát; một số gia đình do mải làm ăn, phó thác việc giáo dục con cái của mình cho nhà trường, không chăm lo và dạy bảo con cái đến nơi đến chốn. Nhiều gia đình nuôi dạy con phản khoa học (do trình độ học vấn của cha mẹ thấp, hạn chế về kiến thức, nhất là kiến thức về văn hoá, xã hội, kinh tế, pháp luật, không đủ hiểu biết để định hướng những giá trị chuẩn mực xã hội cho con cái) hoặc cha mẹ thiếu gương mẫu... Như vậy, gia đình có một vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con em trở thành người có ích cho xã hội. Môi trường gia đình không lành mạnh thì trẻ em chịu ảnh hưởng nhiều nhất, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Nhiều trường chỉ chú trọng vào việc cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy cho học sinh kỹ năng sống; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là luật hình sự còn quá ít. Vì vậy, khi phạm tội, các em không biết hoặc rất mơ hồ về tội lỗi mà mình gây ra. Vai trò định hướng của xã hội đối với trẻ vị thành niên vẫn còn mờ nhạt và chưa hiệu quả. Các yếu tố văn hoá nước ngoài du nhập vào nước ta phong phú và phức tạp trong quá trình hội nhập, nhưng xã hội lại thiếu một “bộ lọc” hiệu quả đối với các yếu tố văn hoá đó. Kết quả là bên cạnh những yếu tố văn hoá tích cực, tiến bộ cũng không ít yếu tố văn hoá tiêu cực. Sự bùng nổ thông tin với sự xâm nhập của các băng, đĩa đen, có nội dung bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy, khiến một bộ phận không nhỏ trẻ em vùi đầu vào các quán in-tơ-nét để chát, chơi game online (chủ yếu là game bạo lực). Trong môi trường xã hội nhiều biến động đó, đã dẫn đến đạo đức của một bộ phận không nhỏ trẻ em đi xuống, với biểu hiện là đề cao lối sống hưởng thụ, coi việc sử dụng điện thoại, xe máy đắt tiền là sự khẳng định "đẳng cấp", giá trị bản thân… Do bỏ học, không có việc làm, ăn chơi lêu lổng, đua đòi... trong khi không làm ra tiền dẫn đến việc nhiều em đi trộm cắp, cướp giật… Bỏ học, trình độ văn hoá thấp còn là điều kiện để bọn tội phạm lợi dụng, xâm hại hoặc dụ dỗ, lôi kéo các em vào con đường phạm tội.

Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục các em, định hướng cho các em lý tưởng sống tốt đẹp, cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em có đủ bản lĩnh, tự tin khi bước vào cuộc sống.

PHẠM THỊ QUỲNH(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Vì sao trẻ vị thành niên phạm tội?