Tổng thống Putin có thể đang sốt ruột trước túi tiền cạn dần của nước Nga, cũng có thể sợ sa lầy ở Trung Đông nên quyết định rút quân khỏi Syria khi mục đích đã đạt được...
"Ván cờ" Syria đã đem lại chiến thắng cho cả bản thân ông Putin và nước Nga. Ảnh: Reuters
Thắng lợi chiến lược của Nga
Ngày 14-3, trong một tuyên bố khiến các nước phương Tây bất ngờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này bắt đầu rút "phần lớn các đơn vị quân đội" khỏi chiến trường Syria ngay từ ngày 15-3, 6 tháng sau khi Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự vào nước này. Ông Putin tuyên bố hy vọng động thái rút quân này "sẽ trở thành động lực tốt cho các cuộc đàm phán" và "hướng dẫn bộ trưởng ngoại giao tăng cường vai trò của Nga trong việc tổ chức tiến trình hòa bình ở Syria".
Giới phân tích cho rằng quyết định kiểu "rút củi đáy nồi" đầy bất ngờ này của Nga sẽ có những tác động sâu sắc lên cục diện chiến trường Syria sau 5 năm chiến tranh đẫm máu. Bà Phyllis Bennis, Giám đốc dự án chủ nghĩa quốc tế mới tại Viện Nghiên cứu chính sách cho rằng quyết định rút quân này, cộng với cam kết ủng hộ giải pháp chính trị của ông Putin có thể thúc đẩy các vòng đàm phán tại Geneva do Liên hợp quốc bảo trợ để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, cũng như thỏa thuận chấm dứt hành động thù địch đang được thi hành ở quốc gia này. Với việc rút phần lớn những khí tài, vũ khí hiện đại ra khỏi Syria, Nga đang xây dựng một nền tảng để có thể giảm bớt tính chất "chiến tranh ủy nhiệm" của cuộc xung đột đang diễn ra ở đất nước này, theo bà Bennis.
James Jay Carafano, chuyên gia cấp cao về nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Quỹ Di sản cho rằng ông Putin đã đạt được một thành công lớn trên phương diện ngoại giao khi quyết định rút quân của ông được đưa ra rất hợp thời, hợp lý, mang lại những tác động tích cực cho cuộc chiến ở Syria. Bằng chiến dịch can thiệp quân sự ồ ạt, ông Putin đã đạt được mục đích đặt ra từ đầu, đó là củng cố được chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và giúp Nga có tiếng nói không thể thiếu trong tiến trình đàm phán hòa bình cho quốc gia này.
Nếu như trước khi Nga đem quân sang Syria, chính quyền của ông Assad - đồng minh quan trọng nhất của Nga ở Trung Đông đang tơi bời bởi các đợt tấn công của hàng loạt lực lượng nổi dậy khác nhau được Mỹ chống lưng mạnh mẽ thì đến nay những lực lượng đó bị máy bay Nga làm cho kiệt quệ. Quân đội Nga cùng Iran và lực lượng Hezbollah đã giúp chính quyền Syria chiếm lại một loạt thành trì từ tay các lực lượng nổi dậy, nhất là ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như trước đây Mỹ liên tục khăng khăng Assad phải ra đi thì nay không còn nghe Mỹ nhắc đến điều đó nữa. Các cuộc đàm phán hòa bình Syria, dù có tiếp tục được hay không và có mang lại kết quả gì chăng nữa thì Assad sẽ vẫn còn ngồi đó, trên chiếc ghế quyền lực cao nhất. Và Syria sẽ vẫn tiếp tục là đồng minh của Nga một cách vững chắc.
Rũ bỏ gánh nặng tài chínhMột trong những nguyên nhân mà người ta có thể nghĩ tới khi Nga bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria là vì Nga đang... cạn tiền. Báo New York Daily News đưa tin ước tính mỗi ngày quân đội Nga “đốt” hết 4 triệu USD ở Syria.
Giá dầu rớt thảm hại suốt thời gian dài qua khiến một đất nước sống lệ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga phải điêu đứng. Nga gần đây đã tha thiết yêu cầu Ả Rập Xê Út - một "ông lớn" trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ giảm sản lượng và tăng giá dầu. Tuy nhiên, nước này đứng ở chiến tuyến bên kia trong cuộc chiến Syria và là đồng minh với Mỹ đã lắc đầu dứt khoát. Việc nước này yêu cầu vay gói “siêu” nợ từ 6 - 8 tỷ USD hồi tuần trước cho thấy quyết tâm của Riyadh trong việc đẩy Nga và Iran vào cảnh cơ hàn mạnh mẽ tới đâu. Rút quân khỏi Syria giúp Nga tiết kiệm tiền đáng kể trong bối cảnh túi tiền đang xẹp dần.
Tiếp đến, Nga đang ở trong một tình huống khó xử với đồng minh người Kurd - lực lượng đang “bắt cá hai tay” đầy thuận lợi ở Syria. Mỹ phải ve vãn người Kurd vì đây là lực lượng nổi dậy ở Syria giúp họ chống IS hiệu quả nhất. Nga o bế người Kurd vì họ gây rắc rối lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã bắn rơi chiếc chiến đấu cơ của Nga ở Syria. Nhưng Tổng thống Syria, ông Bashar Assad - nguyên nhân chính khiến Nga điều quân sang Trung Đông thì dứt khoát sẽ đối đầu lại với tất cả các lực lượng nổi dậy mà thu hết quyền lực về tay mình. Sự rút lui khỏi Syria vào lúc này sẽ giúp ông Putin thoát khỏi tình thế khó xử giữa 2 đồng minh quan trọng đang “choảng” nhau.
Cuối cùng, chỉ mới gần đây, trong cuộc phỏng vấn với báo Atlantic, Tổng thống Mỹ Obama đã cười nhạo rằng ông Putin đã nhúng chân vào vũng lầy nội chiến ở Syria và sẽ phải hối tiếc. Ông Obama cũng cho rằng Nga đang với xa quá mức và đang “chảy máu” ở Syria. Hẳn trước khi đưa quân sang “vũng lầy Trung Đông”, ông Putin đã phải vạch rõ chiến lược để không lặp lại sai lầm như cuộc sa lầy thật sự của quân đội Liên Xô ở Afghanistan hồi năm 1979.
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)